Các rào cản trong dạy học trực tuyến do ảnh hưởng đại dịch Covid 19: Trường hợp nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
30/11/2021
TÓM TẮT
Bối cảnh chuyển đổi dạy học từ hình thức truyền thống sang trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn hoạt động giáo dục giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam thời gian qua, bài nghiên cứu này tập trung vào một số rào cản chính mà giảng viên và sinh viên giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt trong quá trình chuyển sang dạy học trực tuyến. Thông qua sử dụng phương pháp định lượng để xử lý số liệu điều tra bằng bảng hỏi trực tuyến và gửi cho giảng viên, sinh viên của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội qua email, mạng xã hội, các tác giả đã tiến hành rút ra những kết quả trên cơ sở đánh giá phân tích tổng hợp và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, trong thời gian tới.
COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020 làm ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải dừng việc dạy và học trực tiếp chuyển sang trực tuyến. Để đối phó với tình trạng này, hầu hết các tổ chức giáo dục toàn cầu chọn sử dụng các phương pháp dạy học trực tuyến đồng bộ và không đồng bộ. Ở Việt Nam, hình thức dạy học trực tuyến được coi là phương pháp thay thế hiệu quả cho hình thức dạy học truyền thống trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và được áp dụng đối với tất cả các cấp đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học trực tuyến đã được thực hiện trên toàn quốc và bước đầu có kết quả. Dạy học trực tuyến có tính linh hoạt và tiện dụng về thời gian lẫn địa điểm nên hình thức học tập này đã giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn khi người học có thể có thể học mọi lúc mọi nơi, ở văn phòng, ở nhà hoặc bất kỳ địa điểm nào thuận tiện. Đây là điều mà các phương pháp giáo dục truyền thống không có được. Tuy nhiên, việc thay đổi từ hình thức giảng dạy truyền thống sang giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh hiện tại phần nào gây ra những rào cản cho giảng viên và sinh viên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm xác định được những rào cản mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp phải trong quá trình dạy học trực tuyến, từ đó đưa ra được những biện pháp để điều chỉnh việc dạy học trực tuyến phù hợp và hiệu quả hơn.
Lý thuyết về rào cản trong dạy học trực tuyến
Dạy học trực tuyến được hiểu là hoạt động dạy học thông qua sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng internet, đảm bảo giảng viên và sinh viên tương tác đồng thời hoặc không đồng thời trong quá trình dạy học. Mục đích chính của của dạy học trực tuyến bao gồm: Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho sinh viên, đặc biệt là khi sinh viên không thể đến trường tham gia học tập vì những lí do khách quan; Bổ trợ cho phương thức dạy học truyền thống (dạy học trực tiếp) nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, khuyến khích sự sáng tạo của giảng viên và sinh viên. Tạo cơ hội cho giảng viên và sinh viên được quyền chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của mình; Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học cho giảng viên và sinh viên, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Rào cản là những bất lợi cản trở người sử dụng tiếp cận trong hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày. Rào cản dạy học trực tuyến là những trở ngại gặp phải trong quá trình dạy học trực tuyến từ khi bắt đầu, trong quá trình và khi đã hoàn thành khóa đào tạo, có thể tác động tiêu cực đến trải nghiệm học tập của người học. Thuật ngữ này đồng nghĩa với những trở ngại, thách thức hoặc cản trở.
Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn thực hiện khảo sát trực tuyến các đối tượng liên quan đến dạy học trực tuyến tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Tác giả gửi Phiếu phỏng vấn bằng Google form qua email, mạng xã hội và các phương tiện liên lạc trực tuyến khác tới 10 giảng viên và 20 sinh viên để thu thập các yếu tố rào cản đến dạy học trực tuyến theo đường link https://docs.google.com/forms/d/17D5_fSXBOuFatkvgM5V9vSGMJ__KG_R1wZAIwhRjBKE/edit. Các yếu tố có tần suất xuất hiện trong các câu trả lời nhiều nhất được tác giả lựa chọn, kết hợp với các yếu tố rào cản đã tập hợp được trong phần tổng quan nghiên cứu ở trên để lập nên danh sách các yếu tố rào cản trong dạy học trực tuyến với từng nhóm giảng viên và sinh viên. Sau đó, tác giả thiết kế Phiếu khảo sát cho 2 nhóm đối tượng được khảo sát, bao gồm: 1) Rào cản của giảng viên; 2) Rào cản của sinh viên. Mẫu khảo sát là các giảng viên, sinh viên đã và đang tham gia vào quá trình dạy học trực tuyến, bao gồm: 100 giảng viên, 200 sinh viên khóa C16, C17 của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Bảng hỏi được thiết kế theo 5 mức ảnh hưởng: 1 - Rất không ảnh hưởng; 2 – Không ảnh hưởng; 3 – Trung bình; 4 – Ảnh hưởng; 5 – Rất ảnh hưởng đến dạy học trực tuyến. Bảng Khảo sát yếu tố rào cản trong dạy học trực tuyến đối với giảng viên bao gồm 4 yếu tố: 1) Kiến thức về thiết kế bài giảng trực tuyến; 2) Phương pháp giảng dạy trực tuyến; 3) Cơ sở vật chất (thiết bị điện tử, điện, internet, phòng thực hành, nguyên liệu thực hành…); 4) Hướng dẫn của nhà trường về dạy học trực tuyến. Đường link khảo sát đối với giảng viên trên Google form: https://docs.google.com/forms/d/13bt_mWdnh640fvEzDTHD3GUNch2dvfGqmjVko3hDW_Q/edit.
Kết quả thống kê cho thấy độ tuổi của giảng viên hầu hết ở mức từ 36-55 tuổi (chiếm 72%), chủ yếu là trình độ thạc sỹ (85%), kinh nghiệm giảng dạy trên 10 năm (84%). Tất cả các giảng viên đang sử dụng phần mềm ứng dụng trong dạy học trực tuyến là Zoom meeting, trong đó có 40% có kết hợp phần mềm Google Classroom, 54% kết hợp qua mạng xã hội.
- Đối với sinh viên: Trong 200 mẫu phiếu tác giả gửi đi, đã nhận được 187 câu trả lời (tỷ lệ 93,5%). Trong 187 sinh viên, có 54% là sinh viên khóa 16, 46% là sinh viên khóa 17. Phương tiện sử dụng trong học trực tuyến chủ yếu là điện thoại di động (78%).
Kết quả phân tích các yếu tố rào cản trong dạy học trực tuyến đối với giảng viên
Kết quả tổng hợp từ việc khảo sát đối với giảng viên về các yếu tố rào cản trong dạy trực tuyến như sau:
Bảng 3. Kết quả phân tích yếu tố rào cản đến dạy học trực tuyến đối với giảng viên
Theo kết quả phân tích khảo sát, yếu tố “Cơ sở vật chất cho dạy học trực tuyến” có mức ảnh hưởng lớn nhất với giá trị trung bình là 4,55 trong đó có 67 giảng viên (tương đương 68%) đánh giá ở mức “Rất ảnh hưởng” đến dạy học trực tuyến. Dạy học trực tuyến hoàn toàn phụ thuộc vào thiết bị điện tử, điện và kết nối Internet nên việc mất điện hay tốc độ đường truyền Internet không đảm bảo sẽ làm gián đoạn và ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình dạy và học. Một hạn chế nữa là những môn học thực hành cần có nguyên liệu thực hành, phòng học thực hành … vì vậy trong điều kiện các địa phương đang bị giãn cách do đại dịch Covid 19, giảng viên không thể đến phòng thực hành của trường để dạy học hoặc trong điều kiện giảng viên có thể đến phòng thực hành của trường thì việc tương tác với sinh viên rất khó khăn. Để có một tiết giảng thực hành trực tuyến cần thêm hỗ trợ khách nhất là các thiết bị ghi hình, lưu trữ và phát hình.
Tiếp đến là yếu tố “Kiến thức về thiết kế bài giảng trực tuyến” có mức ảnh hưởng thứ hai với giá trị trung bình là 3,94 trong đó có 63 giảng viên (tương đương 64%) đánh giá ở mức độ “ảnh hưởng” đến quá trình dạy trực tuyến. Dạy học trực tuyến trong thời kỳ COVID-19 thực chất là lai ghép, phối hợp giữa trực tuyến với trực tiếp, nghĩa là vẫn có sự tương tác của giảng viên với sinh viên qua màn hình điện tử và thiết bị kết nối. Để thiết kế được bài giảng trực tuyến có hiệu quả đặt ra nhiều thách thức cho giảng viên. Giảng viên phải thiết kế bài giảng tạo ra tính hấp dẫn trong mỗi bài học, tránh sự nhàm chán đối với sinh viên. Vì vậy, các phần mềm ứng dụng trong thiết kế bài giảng điện tử phải được giảng viên khai thác triệt để. Công việc này đòi hỏi thời gian, khả năng vận dụng và sự sáng tạo của giảng viên.
“Phương pháp giảng dạy trực tuyến” là yếu tố thứ 3 có giá trị trung bình là 3,68 ở mức “ảnh hưởng” đến dạy học trực tuyến, trong đó cao nhất có 58 giảng viên (tương đương 59%) đánh giá ở mức “ảnh hưởng”. Việc dạy học trực tuyến không phải là công việc được thực hiện thường xuyên. Vì thế, khi dịch Covid bùng phát, giảng viên sẽ phải thay đổi bài giảng và phương pháp dạy cho phù hợp với dạy trực tuyến. Làm quen về kỹ thuật thực hiện, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở giảng viên còn hạn chế, sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Đa phần giảng viên đã quen với không gian trực tiếp trước sinh viên, nay chuyển sang không gian trực tuyến để giảng bài, giảng viên phải thay đổi, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau để tránh sự nhàm chán cho sinh viên. Điều này phụ thuộc vào năng lực sư phạm, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của giảng viên để triển khai bài giảng hiệu quả nhất.
Yếu tố cuối cùng xếp thứ tự ảnh hưởng thấp nhất là “Hướng dẫn, hỗ trợ của nhà trường về dạy học trực tuyến”. Yếu tố này có giá trị trung bình là 3,05 biểu biện mức ảnh hưởng “trung bình”, giảng viên cho rằng yếu tố này ảnh hưởng đến dạy học trực tuyến ở mức vừa phải, trong đó cao nhất có đến 78 giảng viên (tương đương 80%) đánh giá ở mức này. Hướng dẫn, hỗ trợ của nhà trường như phần mềm tổ chức dạy trực tuyến; quy định dạy trực tuyến; hệ thống quản lý dạy trực tuyến giúp giảng viên lưu trữ, chuyển tải học liệu, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của sinh viên. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ dạy trực tuyến hỗ trợ từ phía nhà trường như đường truyền internet, thiết bị kết nối, phòng dạy trực tuyến … Đây là những yếu tố có tác động tới dạy trực tuyến mà theo các giảng viên thì có ảnh hưởng ở mức “trung bình” vì hầu hết các giảng viên tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội hiện nay đã tự thực hiện quá trình dạy học trực tuyến từ khi có dịch Covid bùng phát.
Kết quả phân tích các yếu tố rào cản trong học trực tuyến đối với sinh viên
Kết quả tổng hợp từ việc khảo sát đối với sinh viên về các yếu tố rào cản trong học trực tuyến như sau:
Rào cản về môi trường
Yếu tố rào cản ảnh hưởng lớn nhất đến học trực tuyến là “Điện và kết nối Internet” với giá trị trung bình là 4,59; trong đó có đến 141 sinh viên (tương đương 75%) cho rằng yếu tố này là rào cản “rất ảnh hưởng” đến quá trình học trực tuyến. Học trực tuyến phụ thuộc vào điện và kết nối Internet, điện hay tốc độ đường truyền Internet không ổn định sẽ làm sinh viên không tiếp thu, nghe, nhìn được bài học. Đây cũng là rào cản lớn nhất khiến sinh viên cảm thấy khó khăn khi học trực tuyến. Các sinh viên có phản hồi “Do đường truyền internet ở cả phía giảng viên và sinh viên không ổn định do vậy giọng của giảng viên bị bóp méo, không nghe rõ”; “Khi giảng viên tương tác với sinh viên, phải mất thời gian rất lâu sinh viên mới nhận được tín hiệu”
Yếu tố rào cản tiếp theo có “ảnh hưởng” đến học trực tuyến là “Nơi học tập” của sinh viên. Các sinh viên tự học ở nhà nên để bố trí được một nơi học tập riêng, yên tĩnh không phải gia đình nào cũng có được. Việc sinh viên học ở một nơi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học. Sinh viên phản ánh “Vì dịch Covid nên cả gia đình em đều ở nhà, em không có phòng riêng nên cả gia đình em đều nghe tiếng cô giảng, em rất bị phân tâm”; “Tiếng ồn từ xung quanh làm em không nghe được bài”. Sinh viên đánh giá yếu tố này có giá trị trung bình bằng 3,96 trong đó có 99 sinh viên (53%) đánh giá ở mức 4 “ảnh hưởng”.
Rào cản về kinh tế
Hầu hết sinh viên đều đánh giá nhóm yếu tố về kinh tế không phải là rào cản trong việc học trực tuyến. Trong đó giá trị trung bình của yếu tố “Kinh phí để mua sắm các thiết bị, phương tiện, nguyên liệu thực hành phục vụ việc học trực tuyến” là 2,34 và yếu tố “Chi phí kết nối Internet cao” là 2,25. Hiện nay, internet đã trở nên phổ biến, Việt Nam trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới và xếp thứ 12 trên thế giới về mức giá dịch vụ Internet rẻ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể tham gia học trực tuyến qua mạng internet. Qua thống kê mô tả, sinh viên sử dụng phương tiện học tập là điện thoại và máy tính. Việt Nam cũng là một trong 10 nước sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, hầu như sinh viên nào cũng sở hữu điện thoại thông minh nên trong đợt đại dịch Covid sẽ sử dụng làm phương tiện học tập. Chính vì vậy sinh viên coi yếu tố về phương tiện học tập và chi phí internet không phải là rào cản đến việc học trực tuyến. Đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp là thời lượng đào tạo dành cho thực hành lớn, vì vậy khi học các môn thực hành online sinh viên phải tự chuẩn bị nguyên liệu thực hành. Trong đợt giãn cách xã hội vì đại dịch Covid 19, việc mua nguyên vật liệu để học những môn học thực hành rất khó khăn và tốn kém. Sinh viên không đủ kinh phí để mua đúng, đủ nguyên vật liệu mà giảng viên yêu cầu. Một số sinh viên có ý kiến “Ở quê em mua những nguyên liệu để thực hành khó mua lắm, phải lên tận thị trấn, thành phố mới có, mà đang dịch Covid nên em không thể đi mua được”; “Để làm ra được một món ăn cần nhiều nguyên liệu, ở nhà em thì nguyên liệu này không có sẵn, đi mua thì tốn tiền”. Sinh viên đã đánh giá yếu tố “Kinh phí để mua sắm nguyên vật liệu phục vụ việc học môn học thực hành” ở mức 4 “Ảnh hưởng” với giá trị trung bình là 4,01 trong đó có đến 147 sinh viên (79%) đánh giá ở mức 4 và mức 5.
Rào cản về công nghệ
Các yếu tố “Kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin” “Kỹ năng sử dụng các phần mềm học trực tuyến” đều được sinh viên đánh giá ở mức độ ảnh hưởng “trung bình” hoặc “không ảnh hưởng” đến việc học trực tuyến. Để tham gia lớp học trực tuyến một cách hiệu quả, sinh viên cần có một mức độ thành thạo công nghệ nhất định và phương pháp học tập phù hợp để tham gia vào các lớp học và tương tác trên không gian mạng. Sinh viên đều là những người trẻ tuổi, tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ nên việc sử dụng thiết bị và các phần mềm học trực tuyến không gây khó khăn cho việc học. Hơn nữa, các thiết bị và phần mềm học trực tuyến không đòi hỏi phải có kiến thức sử dụng quá phức tạp nên sinh viên dễ dàng sử dụng được. “Kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin để học trực tuyến” có giá trị trung bình là 2,18 tương đương với mức “không ảnh hưởng”, “Kỹ năng sử dụng các phần mềm học trực tuyến” như zoom, gooogle classroom có giá trị trung bình là 2,94 tương đương mức ảnh hưởng “trung bình” đến học trực tuyến của sinh viên.
Rào cản tương tác
Việc thay đổi từ các lớp học truyền thống tại giảng đường sang các lớp học trực tuyến làm giảm sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Phương thức dạy truyền thống, giảng viên và sinh viên dễ dàng trao đổi với nhau, dễ dàng làm việc nhóm và thảo luận thì đối với hình thức dạy trực tuyến việc tương tác này sẽ khó khăn hơn. Một số sinh viên phản hồi: “Nếu trên lớp, cô có thể xem bài của em trực tiếp và sửa ngay những lỗi sai hoặc hướng dẫn cách làm đúng”; “Em giơ tay phát biểu nhưng thầy không thể gọi hết tất cả các bạn được nên có những buổi em không được giải đáp thắc mắc của mình”; “Cô có chia nhóm để làm bài nhưng chúng em trao đổi với nhau rất khó khăn, nhiều khi qua màn hình nên hiểu lệch ý nhau”. Chính vì vậy, sinh viên đánh giá yếu tố “Tương tác qua lại giữa giảng viên và sinh viên” có giá trị trung bình là 4,43, trong đó có 168 sinh viên (90%) cho rằng yếu tố này có “ảnh hưởng”, “rất ảnh hưởng” đến học trực tuyến. Yếu tố “Tương tác qua lại giữa các sinh viên với nhau” và “Quản lý lớp học của giảng viên” có giá trị trung bình lần lượt là 4,06 và 4,02 trong đó có hơn 70% sinh viên đánh giá ở mức “ảnh hưởng” và “rất ảnh hưởng” đến học trực tuyến.
Rào cản tâm lý
Hầu hết sinh viên đều cho rằng khó tập trung, không hứng thú và thiếu kiên nhẫn với học trực tuyến. Việc học trực tuyến trong thời gian dài, sinh viên phải dành nhiều thời gian trước màn hình máy tính, điện thoại, hạn chế giao tiếp dẫn đến tâm lý mệt mỏi của phần lớn sinh viên. Do đó, việc sinh viên cảm thấy chán nản, không hứng thú là một trong những nhược điểm lớn nhất của người học trực tuyến. Thiếu các mối quan hệ trực tiếp ngăn cản sự tương tác trong quá trình học và có thể khiến sinh viên cảm thấy thiếu động lực học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của sinh viên, bởi vì tâm lý được xem là yếu tố cốt lõi và đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến hiệu quả học tập. Giá trị trung bình của các yếu tố “Khó tập trung vào bài học” “Không hứng thú đối với bài học” “Không đủ kiên nhẫn tham gia buổi học” lần lượt là 3,95; 3,86; 3,91 ở mức “ảnh hưởng” đến học trực tuyến. Một số sinh viên có ý kiến: “Ngồi cả buổi trước màn hình, ít được nói, nhìn trực tiếp với cô giáo và các bạn nên em không cảm thấy hứng thú, được khoảng hơn nửa thời gian là chán, không muốn theo dõi tiếp”; “Em thường bị phân tâm bởi những việc riêng mà giáo viên không thể kiểm soát được”
Một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến
Muốn dạy học trực tuyến hiệu quả, cần có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa người dạy và người học. Từ các kết quả phân tích khảo sát ở trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến ở Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội như sau:
Thứ nhất, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến của giảng viên.
Giáo dục trong thời đại 4.0 chắc chắn không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Thành thạo công nghệ thông tin chính là yêu cầu cần có đối với giảng viên. Để có giờ dạy học trực tuyến hiệu quả cao, giảng viên phải thực sự làm chủ được các công cụ, thiết bị công nghệ vì môi trường tương tác trên nền tảng online khác xa với hình thức dạy học truyền thống. Là người dạy, giảng viên cần biết sử dụng các phần mềm để tạo ra một giờ học thú vị, thu đối với sinh viên. Nắm vững các kiến thức về công nghệ cũng giúp giảng viên khắc phục được những sự cố phát sinh trong quá trình dạy học trực tuyến. Từ những bất cập trong quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên, các cơ sở giáo dục cần quan tâm và tổ chức các đợt tập huấn đổi mới phương thức giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong tương lai.
Thứ hai, đổi mới phương pháp thiết kế bài giảng trực tuyến của giảng viên
Giảng viên phải đổi mới cách thức thiết kế bài giảng trực tuyến cho phù hợp với nội dung môn học, cơ sở vật chất, tăng tương tác với sinh viên. Xây dựng bài giảng phù hợp với điều kiện dạy học online, hướng tới lợi ích cốt lõi của người học. Đối với hình thức dạy học trực tiếp, quá trình tiếp thu, truyền đạt kiến thức bao gồm cả ngôn ngữ hình thể, kèm theo các hoạt động như tranh luận, hỏi đáp, thảo luận nhóm… Tuy nhiên, với hình thức dạy học trực tuyến, thật khó để thực hiện các hoạt động này. Vì thế, đổi mới hình thức tương tác phù hợp chính là một trong những cách dạy học trực tuyến hiệu quả. Giảng viên và sinh viên cần linh hoạt và tận dụng các chức năng trao đổi trên nền tảng online, đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và lồng ghép nhiều hoạt động trong chương trình giảng dạy để tạo hứng thú học tập của sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên trình bày và chia sẻ quan điểm của bản thân. Giảng viên cần kết hợp các phần mềm giáo dục để đánh giá, tăng khả năng tương tác với sinh viên qua các thiết bị điện tử. Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến, cần phải lựa chọn được phần mềm đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của môn học và cơ sở vật chất. Mỗi phần mềm sẽ có những ưu, nhược điểm riêng mà giảng viên phải xem xét để có lựa chọn phù hợp nhất như phần mềm như Google Classroom, Moodle, Zoom, Skype… Tuy nhiên, giảng viên và sinh viên cần được tập huấn trước khi thực hiện. Về nội dung bài giảng, phải trình bày đúng trọng tâm vấn đề, dùng từ ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất, đưa kèm các ví dụ minh họa, tổng kết lại ý chính sau từng phần. Về hình thức, đảm bảo trình bày trực quan, dễ theo dõi, thu hút, gia tăng nội dung được truyền tải thông qua hình ảnh. Giảng viên giải đáp thêm các thắc mắc của sinh viên thông qua các phần mềm dạy học phù hợp.
Thứ ba, tăng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên
Giảng viên cần đưa ra các phương pháp học tập mới thú vị hơn, sát thực với thực tế nhằm tăng cường sự tham gia của sinh viên nhiều hơn đặc biệt là đối với các ngành cần các kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành cao như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Kỹ thuật chế biến món ăn. Áp dụng kết hợp nhiều phương pháp học tập để sinh viên chủ động trong quá trình học tập. Cần có đánh giá sinh viên trong và sau môn học cho phù hợp. Nêu rõ hình thức đánh giá và kết quả đạt được sau quá trình học tập online, tạo điều kiện để sinh viên thể hiện bản thân qua việc làm bài tập, biểu dương các cá nhân, nhóm làm bài tốt.
Thứ tư, khắc phục cơ sở vật chất giảng dạy và học tập không đồng bộ
Tùy vào điều kiện và nhu cầu của từng giảng viên, sinh viên việc đầu tư vào các trang thiết bị để học online như điện thoại, máy tính bảng, laptop cũng như dịch vụ internet là khác nhau. Trong trường hợp tham gia vào những buổi dạy học trực tuyến, có những trường hợp sinh viên không thể theo kịp bài giảng vì lỗi kỹ thuật nên việc học online sẽ bị ngắt quãng, đứt đoạn nhiều lần trong quá trình học tập. Vấn đề này không chỉ làm giảm chất lượng bài giảng mà còn khiến sinh viên mất tập trung. Nhà trường đã hỗ trợ sinh viên bằng việc giảm học phí trong thời gian học tập online, tuy nhiên sinh viên cần sử dụng khoản kinh phí này cho thiết bị học tập, mạng internet. Giảng viên cần có môi trường giảng dạy yên tĩnh, riêng biệt, trang thiết bị đáp ứng được cho giảng dạy online. Nhà trường hỗ trợ về nơi giảng dạy, kết nối internet tại các phòng học tại trường, giảng viên cần chuẩn bị các phương tiện giảng dạy để truyền tải được nội dung bài giảng một cách tốt nhất tới sinh viên.
KẾT LUẬN
Dạy và học trực tuyến đã trở thành phương thức áp dụng chủ yếu trong việc đào tạo giáo dục nghề nghiệp khi bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 hiện nay. Dạy học trực tuyến đã tạo nên những chuyển dịch trong đào tạo, tạo ra nhiều thách thức không chỉ đối với tìm ra phương thức hiệu quả đào tạo trực tuyến, mà quan trọng nhất là tâm lý và đổi mới sáng tạo và sự nỗ lực của giảng viên, sinh viên và nhà trường. Nghiên cứu các yếu tố rào cản đến dạy và học trực tuyến của giảng viên và sinh viên giáo dục nghề nghiệp mới phân tích một cách cơ bản các rào cản đến dạy và học, nên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ tác động qua lại các rào càn trong các nghiên cứu tiếp theo để qua đó ngày càng có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đặng Thị Thúy Hiền, Trần Hữu Tuấn, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Đoàn Lê Diễm Hằng, Nguyễn Thị Phương Thảo (2020), Các yếu tố rào cản trong việc học Online của sinh viên Khoa Du lịch – Đại học Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và phát triển.
[2] Nguyễn Kim Đào (2020) Luận án tiến sỹ của “Nghiên cứu sử dụng B-learning trong dạy học phần điện học vật lí 9, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Bài viết: TS.Đinh Thị Hải Hậu- CN. Đào Thị Hiền