Thúc đẩy hoạt động liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp theo hướng bền vững: nghiên cứu trường hợp đào tạo nghề quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
02/03/2022
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành, đào tạo nghề trong du lịch có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần đáp ứng đủ số lượng nhân lực có tay nghề mà còn cần kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do vậy, không thể phủ nhận vai trò lớn các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong việc truyền đạt các kiến thức, huấn luyện các kỹ năng và truyền cảm hứng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV). Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nổi lên hiện nay trong đào tạo nghề du lịch là phối hợp chặt chẽ giữa bên đào tạo- Nhà trường (NT) và bên sử dụng sản phẩm đào tạo- doanh nghiệp (DN). Bài viết này sẽ tập trung thúc đẩy liên kết giữa NT và DN nhằm duy trì mối liên kết trên, thông qua phương pháp nghiên cứu điển hình đối với đào tạo nghề cao đẳng ngành quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Qua nghiên cứu lý thuyết và phân tích số liệu điều tra xã hội học, kết quả đã chỉ ra thế mạnh và tồn tại trong các hoạt động liên kết giữa NT và DNKDKS, đặc biệt nêu ra hoạt động liên kết giữa NT và các DNKDKS chưa thực sự chặt chẽ, bền vững. Từ đó, bài viết cũng gợi ý một số giải pháp để gắn kết hơn nữa các bên liên quan để cùng phối hợp trong quá trình đào tạo, làm rõ vai trò của người học để giúp người học chủ động, đáp ứng nhanh hơn với thực tế tại DN. Điều này, khẳng định thêm một lần nữa việc hợp tác, liên kết giữa Nhà trường (NT) và DN là một xu hướng tất yếu trong đào tạo nghề du lịch.
Từ khóa: Liên kết bền vững, nhà trường, doanh nghiệp khách sạn, nghề quản trị khách sạn.
Nội dung chính:
1.Tổng quan về hoạt động liên kết bền vững giữa Nhà trường và Doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, liên kết giữa Nhà trường (NT) với Doanh nghiệp (DN) trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thu hút sự quan tâm và tham gia mạnh mẽ của đại diện Lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo và DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch của cả nước. Điều này cho thấy, vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang là ưu tiên hàng đầu của các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch - khách sạn, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng lao động toàn ngành đang vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.
Theo thống kê sơ bộ, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động đang phục vụ trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh như hiện nay, nhất là sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch cao cấp như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, đòi hỏi mỗi năm ngành du lịch phải có thêm 25.000 lao động mới, song các cơ sở đào tạo hiện chỉ cung ứng được khoảng 15.000 lao động. Đáng nói là chỉ 42% nguồn nhân lực toàn ngành được đào tạo chuyên nghiệp, 38% là từ ngành khác chuyển sang, 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Ngay với nguồn nhân lực đã qua đào tạo cũng còn hạn chế về kỹ năng nghề và khả năng ngoại ngữ. Nhiều nhân viên, sau khi được tuyển dụng dù đã qua đào tạo dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, vẫn phải được DN đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung.
Nhiều nghiên cứu thời gian qua đã chỉ ra chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, khách sạn vẫn chưa nhất quán giữa đầu vào và đầu ra, gây khó khăn cho DN trong quá trình tuyển dụng. Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân chính của thực trạng này chính là sự thiếu cân xứng giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo. Tại các quốc gia phát triển, thời lượng đào tạo lý thuyết và thực hành là 50 - 50, tức là nếu thời gian học 4 năm, thì có tới 2 năm sinh viên (SV) được thực tập trong môi trường thực tiễn. Nhưng ở nước ta, thời gian thực tập ở các DN chỉ diễn ra 1 đợt và kéo dài khoảng 3 - 4 tháng, khiến cho SV bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm và thiếu hẳn kỹ năng nghề thực tế. Chưa kể, nhiều cơ sở đào tạo chưa có tên tuổi, chưa gây dựng được uy tín, còn gặp khó khăn trong khâu kết nối với các DN lớn, nên SV chỉ có điều kiện thực tập ở những môi trường chưa chuyên nghiệp, dẫn tới cơ hội học hỏi, hoàn thiện kỹ năng càng thấp.
1.1. Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là gì?
Liên kết (engagement) là sự kết nối, liên hiệp, gắn chặt với nhau giữa 2 hay nhiều chủ thể. Từ điển Oxford giải thích liên kết là sự kết nối, là mối quan hệ giữa ít nhất là 2 chủ thể, theo đó liên kết giữa NT và DN chỉ sự kết nối giữa một bên là NT và một bên là Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn (DNKDKS), một trường có thể liên kết về một hoặc nhiều DNKDKS và ngược lại, một DNKDKS có thể liên kết với một hoặc nhiều trường theo nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Anderson (2004) ghi nhận liên kết giữa DN và NT được đề xuất từ những năm 1810 bởi triết gia người Đức Willhelm Humboldt với nhận định NT ngoài chức năng đào tạo phải có chức năng nghiên cứu và hợp tác với các ngành công nghiệp (mô hình ĐH Humboldt), Geiger (2004) đánh giá liên kết giữa DN và NT sẽ cung cấp cho người học khả năng cự phách khi giải quyết các vấn đề thực tiễn. Rohrberck & Arnold (2006) phân tích động lực cho liên kết DN và NT từ phía NT gồm đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, tăng nguồn tài chính/tài trợ, nguồn tri thức và dữ liệu kiểm chứng, áp lực chính trị, tăng cường uy tín, cơ hội việc làm cho SV tốt nghiệp; Từ phía DN nhằm tìm kiếm nguồn công nghệ hiện đại, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT), nguồn nhân lực với chi phí thấp, chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu cơ bản, ổn định các dự án nghiên cứu dài hạn, kênh tuyển dụng quan trọng.
Có thể định nghĩa liên kết hợp tác giữa NT và DN là tất cả mọi hình thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa NT và các DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên.
1.2.Mô hình liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp theo hướng bền vững
* Sự tham gia liên kết của phía các doanh nghiệp
a. Tham gia tư vấn, xây dựng chương trình đào tạo của trường
b. Phối hợp trong đào tạo SV cùng nhà trường
c. Hỗ trợ SV cơ sở thực tập tại các DNKDKS
d. Tham gia trao đổi, tư vấn chuyên môn trong các diễn đàn, hội thảo
e. Thiết lập và chia sẻ cơ sở dữ liệu và thiết bị công nghệ
f. Doanh nghiệp tài trợ các quỹ học bổng, hội khuyến học và hỗ trợ SV xuất sắc, SV có hoàn cảnh khó khăn
* Sự tham gia liên kết của phía nhà trường
a. Quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp
b. Hỗ trợ tuyển dụng nguồn nhân lực
c. Giảng viên thỉnh giảng
d. Mở lớp liên kết với DN
e. Liên kết, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn theo yêu cầu kế hoạch cho nhân sự của DN.
Trong mối quan hệ liên kết giữa NT và DN không đơn thuần chỉ là mối quan hệ hợp tác song phương giữa chủ thể và đối tác, giữa NT và DN mà còn có cả đối tượng liên quan là SV. Do vậy, NT và DN cần đề cao vai trò của SV, cần quan tâm đến lợi ích của SV trước tiên, cần đảm bảo đầy đủ lợi ích của SV do đó cần sự chuyển dịch mô hình từ liên kết song phương đơn thuần sang mô hình liên kết 3 bên theo hướng bền vững dưới đây:
Sơ đồ 1.1. Mô hình liên kết song phương đơn thuần
Nguồn: Nguyễn Tuấn Dũng và các đồng nghiệp (2021)
Do mô hình liên kết song phương đơn thuần chỉ đề cao vai trò của Chủ thể và đối tác, chỉ đề cao vai trò của NT và DN, chưa coi trọng vai trò của SV, vai trò của SV vẫn thụ động trong mối liên kết này dẫn đến lợi ích của SV chưa được đảm bảo. Cho nên, thay vì áp dụng mô hình liên kết song phương đơn thuần thì NT cần áp dụng mô hình liên kết 3 bên NT - SV – DN.
Sơ đồ 1.2. Mô hình liên kết 3 bên theo hướng bền vững
: Nhà trường - Sinh viên - Doanh nghiệp
Nguồn: Nguyễn Tuấn Dũng và các đồng nghiệp (2021)
2. Thực trạng hoạt động liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
Yêu cầu công việc của nghề Quản trị Khách sạn (QTKS) thuộc ngành kinh doanh dịch vụ luôn đặt ra muốn thực hiện tốt công việc đòi hỏi có nhiều trải nghiệm thực tế, có kiến thức sâu, rộng, có kỹ năng chuyên nghiệp và thái độ phù hợp. Đồng thời, từ nhu cầu của Nhà trường, cần đánh giá đúng thực trạng hoạt động đào tạo nghề quản trị khách sạn, từ đó rút ra những ưu nhược và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề QTKS nói chung và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết giữa NT và các DNKDKS nói riêng. Xuất phát từ cơ sở lý thuyết và thực tiễn trên, nhóm tác giả gồm Nguyễn Tuấn Dũng và 8 đồng nghiệp của Khoa Quản trị Khách sạn Nhà hàng, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng và triển khai và được nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường trong năm 2021 có chủ đề”Các giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết bền vững giữa nhà trường vào doanh nghiệp trong đào tạo nghê quản trị khách sạn tại Trường CĐ DL Hà Nội”.
Kết quả đánh giá thực trạng hoạt động liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp cho thấy từng bước thúc đẩy nâng cao kiến thức, thái độ và kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm của SV nghề QTKS song vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc QTKS. Một số nguyên nhân do những khách quan và chủ quan đã nêu lên yêu cầu về trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thực tế, kỹ năng mềm cho SV. Cụ thể như sau:
2.1 Kết quả đạt được
2.1.1 Hoạt động thực tập của sinh viên
* Mức độ thuận lợi của quy trình tổ chức thực tập cho SV
Biểu đồ 2.1. Ý kiến của SV về mức độ thuận lợi của Quy trình tổ chức thực tập
Nhìn vào biểu đồ 2.1, nhóm tác giả nhận thấy có 18,4% SV đánh giá Rất thuận lợi, có 62,8% SV đánh giá Thuận lợi, có 17,6% SV đánh giá Trung bình, chỉ có 1,2% SV đánh giá Không thuận lợi.
*Quá trình thực tập của SV tại DNKDKS
Biểu đồ 2.2. Ý kiến của SV về mức độ nhiệt tình người hướng dẫn SV trong quá trình thực tập tại DNKDKS
Nhìn vào biểu đồ 2.2, nhóm tác giả nhận thấy có 43,2% SV đánh giá Rất nhiệt tình, có 48,4% SV đánh giá Nhiệt tình, có 6,8% SV đánh giá Trung bình, còn lại 1,6% SV đánh giá Không nhiệt tình.
Biểu đồ 2.3. Ý kiến của SV về mức độ hỗ trợ của người hướng dẫn SV trong quá trình thực tập tại DNKDKS
* Đánh giácủa cơ sở thực tập về hoạt động thực tập của sinh viên và của Nhà trường
Biểu đồ 2.4. Ý kiến của DNKDKS về số lượng SV đủ điều kiện làm việc tại các DNKDKS sau khi kết thúc quá trình thực tập
Nhìn vào biểu đồ 2.4, có 30% DNKDKS cho biết chỉ có dưới 10% SVTT đủ điều kiện làm việc tại khách sạn của họ, có 10% DNKDKS cho biết có dưới 25% SVTT đủ điều kiện làm việc tại khách sạn của họ, có 20% DNKDKS cho biết chỉ có khoảng 25% đến dưới 50% SVTT đủ điều kiện làm việc tại khách sạn của họ, có 25% DNKDKS cho biết có khoảng 50% đến dưới 75% SVTT đủ điều kiện làm việc tại khách sạn của họ, còn lại 15% DNKDKS cho biết có trên 75% SVTT đủ điều kiện làm việc tại khách sạn của họ.
Biểu đồ 2.5. Mức độ tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của DNKDKS cho CTĐT của NT
Nhìn vào biểu đồ 2.5, nhóm tác giả nhận thấy có 15% DNKDKS đã Nhiều lần tham gia xây dựng CTĐT cùng với NT, có 10% DNKDKS đã tham gia ở mức Trung bình, có 25% DNKDKS trả lời Ít khi tham gia, còn lại 50% DNKDKS trả lời Chưa từng tham gia.
Biều đồ 2.6. Ý kiến của DNKDKS về mức độ tham gia giảng dạy chuyên đề của CB, GV của Trường CĐDLHN tại DNKDKS
Nhìn vào biểu đồ 2.6, nhóm tác giả nhận thấy có 5% DNKDKS cho biết Thường xuyên có CB, GV của NT tham gia giảng dạy chuyên đề tại DNKDKS, có 20% DNKDKS cho biết Thi thoảng có CB, GV tham gia giảng dạy chuyên đề tại DNKDKS, có 30% DNKDKS cho biết Hiếm khi có CB, GV tham gia giảng dạy chuyên đề tại DNKDKS, còn lại 45% DNKDKS cho biết Chưa bao giờ thấy có CB, GV tham gia giảng dạy chuyên đề tại DNKDKS.
* Nghiên cứu giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải
Biều đồ 2.7. Ý kiến của DNKDKS về mức độ CB, GV của Nhà trường tham gia giải quyết các vấn đề mà DNKDKS đang gặp phải
Nhìn vào biểu đồ 2.7, nhóm tác giả nhận thấy có 5% DNKDKS cho biết Thường xuyên có CB, GV của NT tham gia giải quyết các vấn đề mà DNKDKS đang gặp phải, có 20% DNKDKS cho biết Thi thoảng có CB, GV của NT tham gia, có 30% DNKDKS cho biết Hiếm khi có CB, GV của NT tham gia, còn lại 60% DNKDKS cho biết Chưa bao giờ có CB, GV của NT tham gia.
* Hỗ trợ cơ sở vật chất cho hoạt động dạy nghề, đào tạo
Biểu đồ 2.8. Ý kiến của DNKDKS về mức độ hỗ trợ CSVCKT phục vụ đào tạo nghề QTKS của DNKDKS cho NT
Nhìn vào biểu đồ 2.8, nhóm tác giả nhận thấy có 5% DNKDKS cho biết Thường xuyên hỗ trợ CSVCKT cho NT, có 25% DNKDKS cho biết Thi thoảng có hỗ trợ CSVCKT cho NT, có 5% DNKDKS cho biết Hiếm khi hỗ trợ CSVCKT cho NT, còn lại 65% DNKDKS cho biết Chưa từng hỗ trợ CSVCKT cho NT.
* Định hướng nghề nghiệp và giảng dạy chuyên đề cho SV.
Biểu đồ 2.9. Mức độ DNKDKS cử CB đến tọa đàm, trò chuyện với SV của NT
Nhìn vào biểu đồ 2.9, nhóm tác giả nhận thấy có 15% DNKDKS cho biết Thường xuyên cử CB đến tọa đàm, trò chuyện với SV của NT, có 20% DNKDKS cho biết Thi thoảng cử CB đến tọa đàm, trò chuyện với SV, có 25% DNKDKS cho biết Hiếm khi cử CB đến tọa đàm, trò chuyện với SV, còn lại 40% DNKDKS cho biết Chưa từng cử CB đến tọa đàm, trò chuyện với SV.
* Giảng dạy chuyên đề cho SV
Biểu đồ 2.10. Mức độ DNKDKS cử CB đến giảng dạy chuyên đề cho SV của NT
Nhìn vào biểu đồ 2.10, nhóm tác giả nhận thấy không có DNKDKS nào Thường xuyên cử CB đến giảng dạy chuyên đề cho SV của NT, có 25% DNKDKS cho biết Thi thoảng có cử CB đến giảng dạy chuyên đề cho SV, có 25% DNKDKS cho biết Hiếm khi cử CB đến giảng dạy chuyên đề cho SV, còn lại 50% DNKDKS cho biết Chưa từng cử CB đến giảng dạy chuyên đề cho SV.
* Khảo sát doanh nghiệp để thực hiện các bài tập lớn (Assignment), nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp
Biểu đồ 2.11. Ý kiến của DNKDKS về tần suất tiếp nhận SV đến khảo sát để thực hiện các bài tập lớn, thực hiện nhiệm vụ NCKH...
Nhìn vào biểu đồ 2.11 nhóm tác giả nhận thấy có 40% DNKDKS trả lời Thường xuyên tiếp nhận SV đến khảo sát để thực hiện các bài tập lớn, thực hiện nhiệm vụ NCKH..., có 25% DNKDKS trả lời tiếp nhận SV đến khảo sát ở mức Khá thường xuyên, còn lại 35% DNKDKS trả lời tiếp nhận SV đến khảo sát ở mức Trung bình và không có DNKDKS nào chọn mức độ Ít khi.
* Các hình thức học tập, trải nghiệm khác
Biểu đồ 2.12. Mức độ DNKDKS sử dụng cộng tác viên là SV của Trường CĐDLHN
Nhìn vào biểu đồ 2.12, nhóm tác giả nhận thấy có 75% DNKDKS trả lời Đã từng sử dụng cộng tác viên là SV của NT, chỉ có 25% DNKDKS trả lời Chưa từng sử dụng cộng tác viên là SV của NT.
Tóm lại, với những kết quả đạt được cho thấy hoạt động liên kết giữa NT và DN trong đào tạo nghề QTKS tại Trường CĐDLHN đang diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy vẫn còn tồn tại 05 hạn chế chủ yếu là do trong quá trình thực hiện các hoạt động liên kết giữa NT và DN, lợi ích của SVTT chưa đặt đúng vào vị trị trung tâm; do đó vẫn còn như:
Thứ nhất, đa số DNKDKS được hỏi đánh giá hài lòng về NT, về CB, GV phụ trách liên hệ tham quan, thực tập cho SV, về mức độ tuân thủ các nguyên tắc trong bản thỏa thuận nhưng trong quá trình thực hiện các hoạt động liên kết, giữa NT và một vài DNKDKS, thi thoảng có nảy sinh khúc mắc;
Thứ hai, liên kết giữa NT và DN chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn chưa đồng bộ khiến cho SV tận dụng, dẫn đến kết quả chưa chính xác về thực tập;
Thứ ba, Vẫn còn SV chưa được CSTT bố trí thực tập tại các vị trí công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo chính, một số khác không nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình từ phía CB và nhân viên của DN trong quá trình thực tập.
Thứ tư, về đánh giá chi tiết các kỹ năng của SVTT, còn nhiều bất cập cần nâng cao hơn nữa;
Thứ năm, hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề nghiệp và thực tập của SV diễn ra thường xuyên, đều đặn hàng năm song còn các hoạt động chưa đa dạng và còn rất hạn chế.
3. Các giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết bền vững giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong đào tạo nghề Quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
3.1. Xây dựng nguyên tắc liên kết bền vững giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề QTKS tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
- Đảm bảo phân định rõ ràng nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên;
- Đảm bảo phù hợp với điều kiện của NT, DN và SV;
3.2. Xây dựng mô hình liên kết bền vững giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề QTKS tại trường CĐDLHN
- Do mô hình liên kết song phương đơn thuần chỉ đề cao vai trò của Chủ thể và đối tác, chỉ đề cao vai trò của NT và DN, chưa coi trọng vai trò của SV, vai trò của SV vẫn bị mờ nhạt, bị thụ động trong mối liên kết này dẫn đến lợi ích của SV chưa được đảm bảo. Cho nên, thay vì áp dụng mô hình liên kết song phương đơn thuần thì NT cần áp dụng mô hình liên kết 3 bên Nhà trường - Doanh nghiệp - Sinh viên;
3.3. Xây dựng chương trình đào tạonghề QTKS theo hướng chú trọng liên kết bền vững giữa Nhà trường và doanh nghiệp
- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới CTĐT, CTMH, giáo trình, tập bài giảng;
- Thường xuyên mời chuyên gia/CB lãnh đạo DN tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến cho CTĐT, CTMH, giáo trình, tập bài giảng; thay đổi, điều chỉnh theo ý kiến đóng góp từ phía DNKDKS nhằm đáp ứng sát thực nhất nhu cầu của DNKDKS.
3.4. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới trong đào tạo nghề QTKS
- Rà soát, bồi dưỡng đội ngũ CB, GV cơ hữu của Khoa Quản trị Khách sạn - Nhà hàng đủ về số lượng, tốt về chất lượng để phục vụ tốt công tác đào tạo của NT, đáp ứng tối đa nhu cầu của DN;
- Tạo điều kiện cho CB, GV và SV kết nối chặt chẽ với DNKDKS thông qua các hoạt động tham quan, thực tập, CLB, các chương trình giao lưu.
3.5. Đổi mới phương thức tổ chức, thực hiện các nội dung liên kết bền vững giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề QTKS
- Yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc liên kết bền vững;
- Yêu cầu tuân thủ nghiêm chỉnh các hoạt động liên kết;
- Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh quy trình tham quan thực tế, thực tập thực tế.
- Thay đổi cơ chế, chính sách và yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động liên kết.
Thay đổi cơ chế tài chính, chính sách thù lao cho giáo viên thỉnh giảng, cho chuyên gia, lãnh đạo DNKDKS sao cho phù hợp với thực tế.
3.7. Lập kênh thông tin kịp thời để thu thập và xử lý thông tin phản hồi từ doanh nghiệp
- Thiết lập đường dây nóng (hotline) để cả 2 phía NT và DN liên hệ, phản ánh khi cần thiết;
Kết luận
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch là mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Du lịch nói chung và của các cơ sở đào tạo về du lịch nói riêng, Trường CĐDLHN có truyền thống trong đào tạo nhân lực của ngành Du lịch rất quan tâm, chú trọng vào liên kết hợp tác với doanh nghiệp để qua đó, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo. Với định hướng đó, công tác đào tạo nghề QTKS của NT đã được triển khai tích cực và đạt được thành tích trong những năm qua. Tuy nhiên, không tránh khỏi những tồn tại cần khắc phục, trong đó có các hoạt động liên kết giữa NT và các DNKDKS chưa thực sự chặt chẽ, bền vững. Do đó, bài viết này nhằm nghiên cứu, làm rõ thực trạng, chỉ ra những thế mạnh và hạn chế trong các hoạt động liên kết giữa NT và DNKDKS. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề QTKS nói chung và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết giữa NT và các DNKDKS nói riêng. Điều quan trọng là việc xác định đúng và cụ thể hóa được mục tiêu, đối tượng, cách thức, phương pháp và sự trợ giúp thông tin từ các bộ phận/phòng ban và các Khoa của DNKDKS và NT nhằm hướng đến đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Quang Anh (2016), Luận văn Thạc sỹ “Hoàn thiện mô hình dự án liên kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ cho doanh nghiệp - Nghiên cứu trường hợp Trường Đại học FPT và Công ty TNHH phần mềm FPT”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
2.Trần Tài Anh (2010), “Gắn đào tạo với sử dụng, nhà trường với doanh nghiệp”, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017: Quy định chế độ làm việc của Nhà giáo GDNN, Cổng Thông tin điện tử của Lao động - Thương binh và Xã hội (www.bldtbxh.gov.vn).
4. Nguyễn Tuấn Dũng và các đồng nghiệp (2021). Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Trường “Các giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết bền vững giữa nhà trường vào doanh nghiệp trong đào tạo nghê quản trị khách sạn tại Trường CĐ DL Hà Nội” đã nghiệm thu năm 2021.
5. Nguyễn Thị Lan Hương (2016), “Đào tạo du lịch tại các trường đại học và cao đẳng - hội nhập và phát triển”, Hội thảo Khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực.
6. Nguyễn Thường Lạng và Trần Đức Thắng (2015), "Đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC", Tạp chí Tài chính. 606(4/2015), tr. 23-26.
7. Nguyễn Đình Luận (2013), “Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị”, Tạp chí Phát triển và hội nhập.