Nhận diện nhân tố định hình thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam vươn tầm khu vực và quốc tế
30/11/2022
Tóm tắt: Du lịch luôn được coi ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển điểm đến du lịch quốc gia không chỉ đặt trong sự phát triển của nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác để đồng kiến tạo trải nghiệm đáng nhớ, trọn vẹn cho du khách mà còn đặt trong mối quan hệ tương hỗ, qua lại giữa thương hiệu điểm đến quốc gia và sức hấp dẫn của điểm đến du lịch của vùng và của từng địa phương. Trong phân tích lĩnh vực du lịch, các nghiên cứu được thực hiện dựa trên nhiều góc độ khác nhau, có những góc độ nghiên cứu phân tích cạnh tranh, nhận diện thương hiệu và định vị điểm đến. Bài viết này mong muốn góp phần làm rõ hơn mối quan hệ giữa thương hiệu điểm đến quốc gia với sức hấp dẫn điểm đến du lịch của địa phương khi những tác động ảnh hưởng của thương hiệu điểm đến đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế. Dựa trên những thành công của hàng loạt giải thưởng quốc tế năm 2021, 2022 của du lịch VIệt Nam, du lịch của các địa phương, bài viết tập trung phát triển những nhân tố quan trọng định hình của thương hiệu du lịch Việt Nam, đặc tính phát triển điểm đến du lịch tại địa phương có sức hấp dẫn quốc tế từ đó có sự cộng hưởng để nhận diện rõ hơn hình ảnh thương hiệu điểm đến của quốc gia. Bài viết đưa ra điểm mạnh cũng như tồn tại, thách thức và đề xuất nâng cao thương hiệu dựa trên nỗ lực quảng bá của từng địa phương, của cả quốc gia để đạt mục tiêu, nỗ lực chung vươn tầm khu vực và quốc tế giúp duy trì và nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Từ khóa: điểm đến du lịch, thương hiệu, cạnh tranh quốc gia, địa phương, đồng kiến tạo
Đặt vấn đề
Trong năm 2022 Việt Nam được vinh dự bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á. Hà Nội được bình chọn là là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu chấu Á. Hội An được bình chọn là thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2022. Thành phố Hồ Chí Minh nhận giải điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2022. Đà Nẵng đạt danh hiệu Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2022. Mộc Châu lần đầu tiên đạt giải Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022…
Đồng thời, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 29 (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022 đã diễn ra tối ngày 7/9/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh,Việt Nam tiếp tục nhận được những giải thưởng danh giá, quý báu. Đây là lần thứ 4 Việt Nam được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á (các năm 2018, 2019, 2021, 2022), khẳng định thương hiệu và vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (các năm 2017, 2021, 2022), ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ và đầy hiệu quả của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong thúc đẩy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam.
Cũng tại sự kiện quan trọng này, hàng loạt các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam cũng được vinh danh và nhận các giải thưởng danh giá.
Điều gì làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của điểm đến du lịch Việt Nam?
Một là: Vẻ đẹp của đất nước
Việt Nam là quốc gia nằm Đông Nam Á có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp say đắm. Dọc theo đất nước từ Bắc vào Nam với hàng nghìn di tích lịch sử, đền chùa, các danh thắng, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí nhộn nhịp. Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh ... đã khẳng định được sự hấp dẫn của mình bằng việc liên tục được vinh danh trên các trang du lịch nổi tiếng thế giới.
Vịnh Hạ Long Việt Nam
Hai là: Ẩm thực phong phú, đa dạng
Ẩm thực Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng giữ chân khách du lịch quốc tế. Mỗi một thành phố, một vùng miền lại có những đặc sản riêng của chính mình. Và nhờ sự đa dạng của các món ăn với nhiều hương vị và cách thưởng thức khác nhau đã phần nào khiến cho Việt Nam trở thành thiên đường ẩm thực trong lòng du khách quốc tế. Ngoài ra khi đến Việt Nam du khách còn được thưởng thức đồ ăn đường phố cực kì đa dạng. Ngoài phở, bún chả và bánh mỳ đã trở nên nổi tiếng, Việt Nam còn có vô số món ăn đang chờ du khách khám phá. Du khách có thể vừa đi bộ vừa nhâm nhi hoặc ngồi ngay tại vỉa hè để thưởng thức.
Bánh cuốn Việt Nam
Ba là: Thiên đường Biển lý tưởng ở châu Á
Với chiều dài bờ biển là 3260 km với trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có rất nhiều điểm du lịch Biển nổi tiếng ở châu Á như Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc …
Biển Phú Quốc Việt Nam
Bốn là: Con người thân thiện
Con người Việt Nam cần cù, thông minh, chịu khó. Khi du khách đến những vùng đất khác nhau sẽ cảm nhận được những mặt đáng yêu của những người con đất Việt khác nhau. Người Hà Nội thì thanh lịch, người Huế lại làm say lòng du khách bởi nét đằm thắm, ngọt ngào, người Tây Nguyên thì chân chất thật thà, ăn đâu nói đó, còn người miền Tây lại phóng khoáng và vô tư. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khách du lịch đến Việt Nam sẽ dễ dàng bắt gặp những nụ cười hiền hòa và tươi tắn của những con người chân chất, mộc mạc sẵn sang giúp đỡ du khách khi cần.
Nụ cười của đồng bào dân tộc trong ngày mùa
Năm là: Chi phí rẻ
Chi phí sinh hoạt ở Việt Nam rẻ hơn khá nhiều so với nhiều nước trên thế giới và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ với 20$/ngày, du khách có thể thoải mái đi tham quan, café và thưởng thức những món ăn hấp dẫn mà chi phí lại bình dân.
2.Thách thức để vươn tới thương hiệu du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid, ngành du lịch Việt Nam bị khủng hoảng nghiêm trọng. Trong năm 2020, 2021 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% đến 90% so với năm trước đó. Các doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động, nhiều nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa.
Bên cạnh đó ngành du lịch trong quá trình định hướng phát triển thương hiệu cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như:
- Việc khai thác, sử dụng các tài nguyên du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa khai thác hết các thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Hiệu quả chưa cao trong việc kết nối giữa các địa phương với nhau để cùng khai thác và phát triển du lịch.
- Một số chính sách còn nhiều bất cập như việc cấp visa còn chậm, thời gian thị thực ngắn.
- Cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, nhiều điểm du lịch bị xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
- Thiếu nhiều sản phẩm đặc sắc cả ban ngày và ban đêm để tăng chi tiêu của du khách và gia tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến du lịch tại Việt Nam.
- Chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực như: Nguồn lao động thiếu, trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao…
- Tình trạng ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại các điểm du lịch ngày càng nghiêm trọng. Trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng chất thải khoảng 1,2kg/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm đến 60%. Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới với khoảng 730.000 tấn mỗi năm.
- Mức chi tiêu cho các hoạt động quảng bá du lịch vẫn thấp chưa có sự đột phá.
3. Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và quốc tế
Một là, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm.
Hai là, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Theo khảo sát của nhiều công ty du lịch, lữ hành, hiện nay rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài muốn tham gia tour ẩm thực (food tour) ở Việt Nam. Chúng ta đã có nhiều món ngon được vinh danh thế giới như phở bò, bún chả, bánh mì, bánh cam, bánh bột lọc… Đến Hà Giang không thể bỏ qua thắng cố, Lạng Sơn có khâu nhục, thịt trâu gác bếp Điện Biên, thịt dê Ninh Bình …Thành phố Hà Nội lọt vào danh sách 20 thành phố có food tour hấp dẫn nhất thế giới. Đây là một ưu thế phát triển tour ẩm thực tại Hà Nội nói riêng, cũng như các điểm đến du lịch trong cả nước nói chung.
Tạo ra sản phẩm đặc sắc vào ban đêm. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng, mang lại doanh thu khoảng 70%, thì Việt Nam lại chưa phát triển.
Ba là, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Cả nước hiện có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề. Công tác đào tạo nhân lực du lịch dù đạt tới kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu nhưng cần có thêm đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho cả nước.
Bốn là, đẩy mạnh công tác quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường du lịch.
Sức sống của ngành du lịch được tạo nên từ sự hấp dẫn của những điểm đến du lịch. Quản lý tốt điểm đến hướng tới việc hình thành thương hiệu của điểm đến sẽ là sự phát triển tất yếu của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.
Năm là, mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thiết thực và hiệu quả.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến hấp dẫn của Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở lựa chọn sự khác biệt của các sản phẩm dịch vụ của từng địa phương hướng đến sự trải nghiệm trọn vẹn của du khách theo các thị trường chiến lược của ngành du lịch Việt Nam. Trong quá trình đồng kiến tạo và định vị thương hiệu du lịch quốc gia, cần tiếp tục phân cấp và làm rõ những đặc trưng cho nỗ lực quảng bá của quốc gia cần phải làm gì, hoạt động quảng bá du lịch của địa phương cần phải làm gì, đặc biệt hệ thống các doanh nghiệp du lịch phải làm gì để huy động hiệu quả nguồn lực hạn chế và tạo sức cộng hưởng, thu hút sức quan tâm của các thị trường khách du lịch. Không những thế, quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia nhằm duy trì và nâng cao vị thế năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Thủ tướng Chính phủ “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;