Một số kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2023
29/05/2024
Thực hiện kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học 2023, nhằm tạo lực đẩy cho phong trào NCKH tại các đơn vị trong trường phát triển, Nhà trường đã tổ chức thực hiện 03 đề tài NCKH cấp cơ sở, trên cơ sở lựa chọn chấm điểm của Hội đồng xét duyệt thuyết minh các đề tài đăng ký từ một số đơn vị thuộc trường. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2023.
Đề tài: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội hiện nay.
Mục đích của đề tài nhằm tập trung làm rõ thực trạng sử dụng mạng xã hội trong học tập; mức độ sử dụng mạng xã hội học tập; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên. Từ đó đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị giúp nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên.
Để đạt được mục đích trên, nhóm nghiên cứu đặt ra nhiệm vụ đối với đề tài gồm: Làm rõ cơ sở lý luận về sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên; Khảo sát thực trạng sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Nhà trường; Nêu được những xu hướng sử dụng mạng xã hội của giới trẻ nói chung và của sinh viên Nhà trường nói riêng. Đề tài theo cấu trúc truyền thống gồm 03 chương. Ở chương 1, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu, thống kê được các loại mạng xã hội sử dụng trong học tập của sinh viên, nêu được lợi ích và tác hại của sử dụng mạng xã hội trong học tập, những yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên, kinh nghiệm của một số trường/ khoa sử dụng mạng xã hội trong học tập.
Trong chương 2 của đề tài, thông qua khảo sát, điều tra bằng phiếu và phỏng vấn, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những số liệu về thực trạng mục đích sử dụng mạng xã hội trong học tập, loại hình mạng xã hội được sử dụng trong học tập, mức độ sử dụng mạng xã hội trong học tập, mối quan hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội với kết quả học tập của sinh viên. Nêu được những yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Nhà trường bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan. Đồng thời nhóm đã đưa ra những đánh giá thuận lợi và khó khăn khi sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Nhà trường.
Trong chương 3, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Nhà trường hiện nay. Nhóm đã đưa ra một số xu hướng sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Nhà trường. Nhóm cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên Nhà trường, cụ thể bao gồm: hoàn thiện về hạ tầng đường truyền mạng internet, tạo các nhóm, trang học tập trên mạng xã hội, nâng cao nhận thức của sinh viên về lợi ích và tác hại của mạng xã hội khi sử dụng phục vụ học tập, tổ chức các cuộc thi online, livestream theo chuyên đề qua mạng xã hội, nâng cao tính tự chủ sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên, xây dựng Quy chế sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên.
Đề tài thứ 2 được triển khai nghiên cứu trong năm 2023: Một số giải pháp nâng cao chất lượng luyện thi kỹ năng nghề Dịch vụ nhà hàng cho sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu đã đặt ra mục tiêu nghiên cứu như sau: đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng luyện thi kỹ năng nghề Dịch vụ nhà hàng cho sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã đề ra các nhiệm vụ cần triển khai trong quá trình nghiên cứu đề tài bao gồm: Hệ thống hóa và đưa ra cơ sở lý luận về luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng; phân tích những yếu tố ảnh hưởng và kinh nghiệm của một số cơ sở đào tạo thường xuyên có thí sinh đạt giải cao tại hội thi các cấp. Khảo sát, phân tích thực trạng công tác luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng tại Trường trong giai đoạn 2000 - 2022. Nêu những thành tựu đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế đó. Đưa ra mục tiêu, quan điểm và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng cho sinh viên Nhà trường.
Đề tài gồm 03 chương. Trong chương 1, nhóm nghiên cứu tập trung nêu lên một số cơ sở lý luận về công tác luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng, trong đó nêu những khái niệm cơ bản theo từ khóa của đề tài, khái quát về công tác luyện thi nghề dịch vụ nhà hàng, phân tích một số nhân tố ảnh hưởng đến công tác luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng, tổng hợp một số kinh nghiệm của một số trường và rút ra kinh nghiệm trong công tác tham gia và huấn luyện kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng cho trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Trong chương 2, nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích thực trạng công tác luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng cho sinh viên Nhà trường. Trong đó, nhóm cũng đã giới thiệu sơ lược về hội thi kỹ năng nghề cấp ở Việt Nam và Quốc tế. Phân tích thực trạng công tác luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng cho sinh viên Nhà trường trong đó có các khâu như: công tác tuyển chọn sinh viên, đội ngũ chuyên gia huấn luyện, tài liệu huấn luyện, kế hoạch và chương trình huấn luyện, cơ sở vật chất của đơn vị tổ chức công tác huấn luyện, kinh phí dành cho công tác huấn luyện, sự phối hợp của các đơn vị liên quan, công tác quản lý quá trình huấn luyện thông qua phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi, phỏng vấn, phương pháp chuyên gia. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá công tác luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng cho sinh viên Nhà trường, đánh giá những mặt đạt được và những hạn chế và nguyên nhân.
Với khuôn khổ của chương 3, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số xu hướng phát triển nghề dịch vụ nhà hàng trên thế giới và ở Việt Nam nói chung và ở Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nói riêng. Nhóm cũng đã đưa ra 10 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng luyện thi kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng cho sinh viên Nhà trường, cụ thể: xây dựng nguyên tắc luyện thi kỹ năng nghề các cấp; xây dựng mô hình, quy trình luyện thi kỹ năng nghề các cấp; xây dựng các tiêu chí tuyển chọn nhân sự cho đội tuyển dự thi phù hợp với từng cấp; xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện phù hợp với từng cấp; tăng cường bồi dưỡng chuyên gia huấn luyện, phát triển đội ngũ chuyên gia kế cận; tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho công tác huấn luyện; tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề cho thí sinh; tăng cường rèn luyện tâm lý, bản lĩnh cho thí sinh; tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện; tăng cường lan tỏa những kiến thức, kỹ năng và sự lành nghề của các thí sinh đạt giải cao đến các thế hệ sinh viên khác.
Đề tài thứ 3 được triển khai trong năm 2023 là: Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác bồi dưỡng một số kỹ năng mềm cho đội ngũ chuyên viên và giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Với đề tài này, mục đích nghiên cứu của nhóm nhằm nghiên cứu thực trạng về công tác bồi dưỡng kỹ năng mềm đối với chuyên viên, giảng viên Nhà trường. Qua đó đề xuất giải pháp để nâng cao công tác bồi dưỡng một số kỹ năng mềm đối với đội ngũ chuyên viên, giảng viên Nhà trường. Nhóm cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ nghiên cứu nhằm đạt mục đích trên như sau: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến kĩ năng mềm, kĩ năng mềm đối với chuyên viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xác lập cơ sở lý luận, giới thuyết các khái niệm công cụ; Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng về công tác học tập, bồi dưỡng kỹ năng mềm cũng như hiệu quả vận dụng kĩ năng mềm của chuyên viên, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Trên cơ sở nhu cầu được học tập, bồi dưỡng kĩ năng mềm của chuyên viên, giảng viên, đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao công tác bồi dưỡng một số kỹ năng mềm cho đội ngũ chuyên viên, giảng viên của Trường.
Đề tài cũng được cấu trúc truyền thống 3 chương như 02 đề tài trên. Ở chương 1, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp một số cơ sở lý luận và khái quát một số kỹ năng mềm cần nâng cao bồi dưỡng đối với chuyên viên và giảng viên. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những khái niệm cơ bản, nêu vai trò của kỹ năng mềm đối với hoạt động nghề nghiệp của chuyên viên và giảng viên, một số kỹ năng mềm cần nâng cao bồi dưỡng cho chuyên viên và giảng viên của trường; nêu hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng kỹ năng mềm, kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng kĩ năng mềm của một số trường cao đẳng du lịch.
Trong chương 2, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng về công tác học tập, bồi dưỡng và sử dụng một số kỹ năng mềm của đội ngũ chuyên viên, giảng viên Nhà trường. Nhóm đã khái quát về đội ngũ chuyên viên, giảng viên Nhà trường. Phân tích thực trạng về công tác học tập, bồi dưỡng và sử dụng một số kỹ năng mềm của chuyên viên và giảng viên Nhà trường thông qua việc phân tích các nội dung như: công tác bồi dưỡng kĩ năng mềm cho chuyên viên và giảng viên Nhà trường từ năm 2018-2023; công tác học tập, bồi dưỡng và nhận thức của chuyên viên, giảng viên đối với kĩ năng mềm; mức độ hiểu biết và sử dụng một số kỹ năng mềm của đội ngũ chuyên viên và giảng viên Nhà trường; nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng mềm của đội ngũ chuyên viên và giảng viên. Nhóm cũng đã nêu ra các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc sử dụng và nhu cầu học tập, bồi dưỡng kỹ năng mềm của chuyên viên và giảng viên. Đồng thời nhóm cũng đưa ra những đánh giá chung về thực trạng, hạn chế và nguyên nhân.
Trong chương 3, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao bồi dưỡng một số kỹ năng mềm cho đội ngũ giảng viên, chuyên viên Nhà trường. Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số định hướng cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trong Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030. Nhóm cũng đã đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác bồi dưỡng một số kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường, cụ thể gồm 5 giải pháp: Nâng cao nhận thức về vai trò và việc rèn luyện kỹ năng mềm trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giảng viên; Xây dựng kế hoạch có tính chất dài hạn trong công tác bồi dưỡng kỹ năng mềm theo vị trí việc làm; Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể trong Nhà trường để rèn luyện kỹ năng mềm; Xây dựng văn bản quản lý về công tác bồi dưỡng và vận dụng một số kỹ năng mềm cần thiết, phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp của Nhà trường dành cho cán bộ, giảng viên; Nâng cao tính chủ động tích cực rèn luyện kỹ năng mềm trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường. Đồng thời nhóm cũng đưa ra đánh giá về tính khả thi của các giải pháp.
Nhìn chung, dưới sự quan tâm và hỗ trợ của Ban giám hiệu cùng đơn vị quản lý đề tài, các nhóm nghiên cứu đã nỗ lực bám sát tiến độ và hoàn thành 03 đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là thành quả đáng khích lệ, góp phần bổ sung kiến thức và kinh nghiệm quý báu cho hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đề tài cũng gặp phải một số hạn chế nhất định. Do đây là lần đầu tiên chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu còn gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc triển khai thực hiện, dẫn đến tiến độ nghiên cứu đôi lúc chậm hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở lý luận cho các đề tài còn cần được trau chuốt kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khoa học và chặt chẽ. Việc kết hợp phân tích dữ liệu sơ cấp và thứ cấp cũng cần được chú trọng để nâng cao tính khách quan trong đánh giá thực trạng và đưa ra kết luận.
Dù còn tồn tại một số hạn chế, các đề tài nghiên cứu khoa học đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Các nhóm nghiên cứu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực học hỏi và trau dồi kiến thức trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Đây là nền tảng vững chắc để các thầy, cô tiếp tục phát triển và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.