Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
24/06/2024
Tóm tắt:
Bài viết áp dụng lý thuyết về vai trò của mạng xã hội trong giáo dục, lợi ích và thách thức của nó trong học tập, và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Mạng xã hội hỗ trợ kết nối, chia sẻ tài liệu và thảo luận nhóm, nhưng cũng gây mất tập trung và tiếp cận thông tin không chính xác. Khi sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để khảo sát 330 sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội về mục đích, tần suất và cách thức sử dụng mạng xã hội trong học tập, kết quả cho thấy 100% sinh viên sử dụng mạng xã hội, 94% để giải trí, 88.7% để cập nhật tin tức, và 63.7% cho học tập. Thách thức chính gồm lựa chọn thông tin, kiểm soát thời gian và độ tin cậy của thông tin. Bài viết đề xuất các giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng mạng xã hội trong học tập như nâng cấp hạ tầng, tạo nhóm học tập, nâng cao nhận thức, tổ chức cuộc thi, buổi chia sẻ trực tuyến và xây dựng quy chế sử dụng mạng trong thời gian tới.
Từ khóa: Mạng xã hội, học tập trực tuyến, tâm lý hành vi, các tính năng của ứng dụng mạng,
1. Đặt vấn đề
Internet và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Mạng xã hội với tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ và trao đổi thông tin mọi lúc, mọi nơi. Các tin tức, hình ảnh, video từ trong nước đến quốc tế luôn được cập nhật liên tục, hỗ trợ tích cực cho sinh viên trong việc học tập.
Hiện có một số nghiên cứu khám phá tác động của mạng xã hội như: Lê Thị Thanh Hà và cộng sự (2017) đã chỉ ra rằng việc tìm kiếm thông tin, giải trí và tính thời thượng của mạng xã hội ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên, Nguyễn Lan Nguyên (2020) nghiên cứu tác động của Facebook đến học tập và đời sống sinh viên, nhận thấy ảnh hưởng khác nhau dựa trên lực học, cùng với những tác động tiêu cực như mất tập trung và tiếp cận thông tin không chính xác. Nguyễn Thị Thu An (2016) chỉ ra rằng sinh viên lướt web trung bình 3,6 tiếng/ngày, trong đó 44% thời gian dành cho học tập, nhưng tỷ lệ nghiện internet cao ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập. Các nghiên cứu tập trung vào tác động tiêu cực của mạng xã hội, chưa nêu đầy đủ những lợi ích tiềm năng của việc sử dụng mạng xã hội trong học tập. Mạng xã hội cung cấp thông tin nhanh chóng và giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Do đó, bài viết này được thực hiện nhằm nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Có thể thấy giải trí và cập nhật tin tức về đời sống đang là mục đích truy cập mạng xã hội lớn nhất của sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, có 94% sinh viên sử dụng mạng xã hội với mục đích giải trí và 88,7% sinh viên sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức, theo sau là kết nối, liên lạc với bạn bè, người thân (81,7%). Việc học tập cũng là một trong những mục đích chính sử dụng mạng xã hội của sinh viên, số lượng sinh viên sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập cũng tương đối phổ biến, chiếm 63,7%. Điều này một phần là do hiện nay có rất nhiều nhóm hay các trang mạng xã hội được thành lập với mục đích chia sẻ và trợ giúp cho việc học tập.
Sinh viên trong mỗi chuyên ngành có các đặc điểm khác nhau, các cách tiếp cận học tập và tiếp nhận thông tin cũng khác nhau. Do vậy, khi lựa chọn mạng xã hội để sử dụng cho mục đích học tập sinh viên mỗi chuyên ngành đào tạo trong Nhà trường sẽ có mức độ sử dụng khác nhau. Kết quả khảo sát tại biểu đồ 2.1 chỉ ra: Sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn du lịch và chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập là nhiều nhất (95,2% và 88,1%). Hiện nay, cũng có rất nhiều các trang mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ, hơn nữa qua mạng xã hội sinh viên có thể dễ dàng kết nối với những người bạn quốc tế nên cơ hội học ngoại ngữ của các bạn cũng thuận lợi hơn nên tỷ lệ sinh viên chuyên ngành tiếng Anh (Quản trị khách sạn, nhà hàng; Quản trị lữ hành, hướng dẫn) có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cho học tập tương đối cao (95%). Mức độ thấp hơn là sinh viên các chuyên ngành Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ nhà hàng và ăn uống (66,7% và 47,2%); tỷ lệ sinh viên chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn là 11,6%. Theo sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, các em chủ yếu chỉ liên kết nhóm Zalo để nhận thông báo của Trường, lớp nhằm cập nhật tiến độ học và các em lên mạng xã hội chủ yếu để giải trí, trao đổi sở thích cá nhân, mua bán… nhưng để học tập thì rất ít.
Theo kết quả khảo sát có 92,3% sinh viên sử dụng mạng xã hội trong học tập cho mục đích nhận thông báo của trường, lớp; tỷ lệ sinh viên sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm tài liệu học tập cũng chiếm tỷ lệ khá cao 88,7%; Thảo luận nhóm qua mạng xã hội cũng được sinh viên sử dụng khá nhiều (85,7%); Việc trao đổi, chia sẻ thông tin học tập với bạn bè cũng được sinh viên sử dụng thường xuyên thông qua mạng xã hội (72,7%). Có 35% sinh viên được khảo sát đã sử dụng mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình với bạn bè. Mạng xã hội là một kênh liên lạc với thầy cô khá hiệu quả và tiết kiệm đối với sinh viên nhưng hiện nay lại chưa được sinh viên sử dụng nhiều tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (45,3%); Tỷ lệ sinh viên sử dụng mạng xã hội để học các kỹ năng nghề khác vẫn chưa cao (42%), trong khi đó hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều các trang cá nhân hoặc nhóm thường xuyên chia sẻ phương pháp học tập ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống nghiệp vụ….; Các hoạt động chia sẻ thông tin về nghề nghiệp và tham gia các cuộc thi trên mạng xã hội của sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội lại không được chú ý, cụ thể có 20% sinh viên chia sẻ thông tin nghề nghiệp và 8% tham gia cuộc thi qua mạng xã hội.
Khi sử dụng mạng xã hội trong học tập, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chủ yếu dùng những loại mạng xã hội họ sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Biểu đồ 2.3. đã cho thấy Facebook là mạng xã hội được các bạn sinh viên sử dụng nhiều nhất, chiếm 98,7%. Tiếp theo là mạng xã hội Zalo chiếm 94%. Do yêu cầu của hoạt động học tập, sinh viên thường phải nhận thông báo từ trường, lớp; tham gia học nhóm, làm việc nhóm; trao đổi liên lạc với thầy cô nên Zalo là một mạng xã hội được họ sử dụng đáp ứng các yêu cầu trên. Tiktok chiếm 79,7% là mạng xã hội đứng thứ 3 được đông đảo sinh viên sử dụng cho mục đích học tập. Ngoài ra, sinh viên còn có xu hướng lựa chọn các mạng xã hội như Youtube, Instagram phục vụ cho học tập. Ngoài những mạng xã hội được sinh viên sử dụng chủ yếu thì cũng còn nhiều mạng xã hội có tỷ lệ sinh viên sử dụng không cao (Twitter, Viber, Zingme…), điều này có thể giải thích thông qua việc ngày càng có nhiều mạng xã hội và sinh viên chỉ biết đến những mạng xã hội phổ biến mà bỏ qua các mạng xã hội khác.
Khi sử dụng mạng xã hội trong học tập sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội không chỉ sử dụng 1 loại mạng xã hội mà có sự kết hợp nhiều mạng xã hội khác nhau. Theo khảo sát, sinh viên thường sử dụng từ 4 đến 5 loại mạng xã hội là phổ biến (44,7% sử dụng 4 loại và 40,3% là sử dụng 5 loại mạng xã hội). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế vì mỗi loại hình mạng xã hội sẽ có những tiện ích và hạn chế riêng nên sinh viên sử dụng nhiều mạng xã hội là xu thế tất yếu để đáp ứng cho các động cơ khác nhau của bản thân.
Trong học tập mạng xã hội có thể đáp ứng được nhiều động cơ khác nhau của sinh viên như: Tìm kiếm tài liệu, trao đổi thông tin học tập, chia sẻ kinh nghiệm học, tham gia học nhóm, học tập các kỹ năng khác…. Tuy nhiên mức độ sinh viên sử dụng mạng xã hội để đáp ứng cho các động cơ này có sự khác biệt.
Biểu đồ 2.4 đưa ra kết quả về mức độ sử dụng mạng xã hội cho học tập của sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội như sau: Sinh viên thường xuyên vào mạng xã hội để trao đổi thông tin học tập với bạn bè (61%); Đồng thời, có 46% sinh viên chỉ thỉnh thoảng mới dùng mạng xã hội để tham gia hoạt động học nhóm, thảo luận nhóm, hoạt động này được thực hiện ở mức độ thường xuyên (31,3%) và rất thường xuyên(18,7%). Kết quả này cũng được xem là tương đối khả quan cho thấy mạng xã hội đã trở thành công cụ kết nối giúp các em thực hiện hoạt động học tập có hiệu quả hơn nhờ có quá trình tương tác với bạn bè trong học tập; Có 19,3% rất thường xuyên và 52,3% sinh viên thường xuyên nhận thông báo từ Trường, lớp qua mạng xã hội. Tỷ lệ sinh viên vào mạng xã hội để tìm kiếm tài liệu học tập cũng tương đối cao (47,7%) nhưng cũng có đến 34,3% các bạn sinh viên cũng chỉ thỉnh thoảng mới lên mạng xã hội để tìm kiếm tài liệu học tập. Thỉnh thoảng sinh viên vào mạng xã hội để tương tác, trao đổi với giáo viên về vấn đề học tập (72,3%), chỉ có 1,7% các em tham gia hoạt động này ở mức độ rất thường xuyên và 13,3% ở mức độ thường xuyên. Điều này cho thấy việc tương tác giữa sinh viên và giáo viên trong học tập thông qua mạng xã hội có hiệu quả rất thấp; Hoạt động chia sẻ thông tin về ngành học một cách thường xuyên rất thấp (Chỉ 4% ở mức độ rất thường xuyên và 16 % ở mức độ thường xuyên) nên hạn chế việc xây dựng tình yêu nghề nghiệp cũng như quảng bá hình ảnh nghề nghiệp và Nhà trường trong giới trẻ; Việc sử dụng mạng xã hội để học tập các kỹ năng khác ở sinh viên Nhà trường cũng rất hạn chế, chỉ 6,3% vào ở mức độ rất thường xuyên và 23,3% ở mức độ thường xuyên. Trong khi đó có đến 65% các em chỉ thỉnh thoảng mới dùng đến mạng xã hội để học tập các kỹ năng khác. Điều đó chứng tỏ việc tìm kiếm kiến thức kỹ năng mềm của sinh viên thông qua mạng xã hội không thực sự có hiệu quả;
Ngoài ra, mạng xã hội cũng là một công cụ để chia sẻ những quan điểm, sở thích những kiến thức… của các cá nhân, nên việc chia sẻ những thông tin về nghề nghiệp, tham gia các cuộc thi qua mạng xã hội là một kênh rất hữu ích để thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhưng sinh viên của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội lại không thường xuyên tham gia các hoạt động này trên mạng xã hội. Theo thống kê của nhóm khảo sát cho thấy chỉ có 16% sinh viên thường xuyên chia sẻ thông tin về ngành nghề và 5,3% thường xuyên tham gia các cuộc thi qua mạng xã hội.
Việc sử dụng mạng xã hội cũng có ảnh hưởng nhất định đến kết quả học tập của sinh viên. Nhóm khảo sát đã tiến hành nghiên cứu và đưa đến kết quả khảo sát theo biểu đồ 2.5 dưới đây:
Qua biểu đồ 2.5 ta thấy có 3,7% sinh viên đạt loại giỏi có sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập so với 0,9% không sử dụng mạng xã hội cho học tập; có tới 64,9% sinh viên sử dụng mạng xã hội cho học tập đạt kết quả khá so với 23,9% không sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập. Thậm chí khi sinh viên không sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập thì số lượng sinh viên đạt kết quả trung bình lên tới 75,2%.
Kết quả học tập của sinh viên bị ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố. Một trong những yếu tố đó là động cơ, mục đích học tập và phương pháp học tập của sinh viên. Học tập qua mạng xã hội cũng là một trong các phương pháp học tập được nhiều sinh viên lựa chọn hiện nay. Do vậy, mục đích sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên cũng có một phần ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Từ bảng 2.1 ta có thể thấy rằng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có điểm trung bình chung học kỳ đạt học lực khá, giỏi có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội với các mục đích học tập tìm kiếm tài liệu, tham gia học nhóm, trao đổi chia sẻ thông tin học tập nhiều hơn so với sinh viên không sử dụng mạng xã hội cho mục đích này (100% sinh viên đạt học lực giỏi, 83,3% đạt học lực khá khi sử dụng mạng xã hội cho mục đích tìm kiếm tài liệu; 100% sinh viên đạt học lực giỏi, 92,2% đạt học lực khá khi sử dụng mạng xã hội để tham gia học nhóm, làm việc nhóm).
Từ hai kết quả trên có thể thấy rằng mạng xã hội có thể giúp cho sinh viên có thể dễ dàng trao đổi nội dung học tập với thầy cô, bạn bè. Hơn nữa, nguồn tài liệu phục vụ cho học tập trên mạng xã hội rất đa dạng và phong phú. Khi sinh viên tiếp cận những kênh này sẽ hỗ trợ họ rất nhiều trong quá trình học tập như: Hỗ trợ các hoạt động có liên quan đến học tập theo nhóm, phát triển kỹ năng tự học, tìm hiểu kiến thức thực tế… Từ đó cũng góp phần cải thiện kết quả học tập, nghiên cứu của sinh viên. Sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã có một tỷ lệ nhất định lĩnh hội được kiến thức qua kênh này và cũng đã phản ánh vào kết quả học tập của họ.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra thực trạng những khó khăn sinh viên gặp phải khi sử dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích học tập như trình bài tại bảng 2.2.
- Việc lựa chọn một loại mạng xã hội phù hợp để phục vụ cho yêu cầu học tập đối với sinh viên là một vấn đề khó khăn không nhỏ cần thiết phải có sự hướng dẫn hay giúp đỡ từ phía giáo viên, đoàn thể và Nhà trường.
- Sinh viên còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời lượng sử dụng mạng xã hội nói chung và dành cho học tập nói riêng. Đồng thời việc sử dụng mạng xã hội cho học tập của sinh viên vẫn còn mang tính thụ động. Chủ yếu do yêu cầu của Nhà trường, giáo viên hoặc các bài học cụ thể sinh viên mới tiến hành lên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, tài liệu, tương tác chia sẻ kinh nghiệm học tập…
- Chưa có hệ thống wifi tại các phòng học
- Mạng xã hội cập nhật thông tin nhanh, mang tính thời sự nhưng những thông tin này lại không được kiểm chứng nên khi sử dụng các thông tin trên mạng xã hội của sinh viên đôi khi khó đảm bảo độ chính xác. Và đây cũng là một trong những khó khăn cho sinh viên khi tìm kiếm thông tin học tập trên các trang mạng xã hội.
Trên cơ sở xu hướng chung về sử dụng mạng xã hội, kết hợp với thực trạng sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội như trên, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
- Giải pháp 1: Hoàn thiện về hạ tầng đường truyền mạng internet
Nhằm giúp sinh viên và giáo viên trong trường có thể dễ dàng truy cập internet phục vụ cho học tập, Nhà trường nên hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật về thiết bị và đường truyền internet như lắp đặt hệ thống wifi miễn phí ở các phòng học lý thuyết và phòng học thực hành riêng cho giảng viên và sinh viên. Đối với hệ thống wifi của sinh viên không cài đặt mật khẩu để sinh viên có thể dễ dàng truy cập ở mọi khu vực trong khuôn viên trường, hệ thống wifi dành cho giáo viên có cài đặt mật khẩu để hạn chế người dùng và đảm bảo tính an toàn cao hơn.
Để tăng sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên cũng như truyền tải được nhiều kiến thức hơn nữa cho sinh viên, giáo viên bộ môn trong quá trình giảng dạy nên lập các nhóm học tập trên mạng xã hội Zalo hoặc Facebook để tiện trao đổi, tương tác tất cả các nội dung liên quan đến môn học. Nhóm học tập sẽ do giáo viên bộ môn cùng lớp trưởng lập nhóm và duyệt thành viên vào nhóm. Các nhóm học tập cần có nội quy về các vấn đề như: Cách ứng xử, thời gian sử dụng, quy định về tương tác, quy định về thành viên...
Bên cạnh các nhóm, đối với môn học trong trường đặc biệt là các môn học thực hành có thể lập Page chung môn học trên mạng xã hội Facebook (Vì tỷ lệ sinh viên sử dụng mạng xã hội Facebook là cao nhất), Page chung môn học sẽ giáo viên bộ môn cùng quản lý. Tại các Page môn học, giáo viên chia sẻ các tài liệu liên quan tới môn học đồng thời gắn các tài liệu theo từng file để sinh viên dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận với tài liệu. Giáo viên và sinh viên cũng có thể quay video các bài thực hành của sinh viên, đăng tải lên page. Nhằm giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm tài liệu và trao đổi thông tin trên các Page môn học, tại mỗi bài đăng sẽ được gắn hashtag. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể đính kèm các hashtag vào các phần liên quan trong slide trình chiếu của mình với mục tiêu cho sinh viên một địa chỉ trên mạng xã hội để họ có thể hỏi và trả lời, bình chọn câu trả lời, và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về nội dung tương ứng. Cách làm này tạo ra một không gian tương tác giữa sinh viên và giáo viên và giữa sinh viên với sinh viên về các nội dung liên quan tới bài học.
Đoàn Thanh niên kết hợp với hội sinh viên tổ chức những buổi nói chuyện theo chuyên đề, những buổi giao lưu chia sẻ, định hướng tuyên truyền cho sinh viên về việc sử dụng những trang mạng xã hội phù hợp. Hướng dẫn cho sinh viên ý thức được việc đưa các nội dung thông tin cá nhân của bản thân lên mạng xã hội dễ bị các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng, tác động về chính trị, tư tưởng, gây hoang mang dao động, mất phương hướng, làm phát sinh các nguyên nhân và điều kiện gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Đồng thời cũng giúp sinh viên tránh xa các thông tin độc hại, những thông tin chưa được kiểm chứng để lựa chọn các thông tin phù hợp. Đồng thời,tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về Luật An ninh mạng, đăng tải thông tin, cách sử dụng mạng rất hữu ích cho các sinh viên trong trường. Việc tuyên truyền, hướng dẫn về luật An ninh mạng có thể lồng ghép vào trong các buổi sinh hoạt lớp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểm, hoặc thi hùng biện... sẽ mang lại hiệu quả cao và thu hút được sự tham gia của đông đảo sinh viên.
Mạng xã hội vừa có những tác động tích cực vừa có những tác động tiêu cực đến đời sống và học tập của sinh viên. Nhằm hướng sinh viên đến những hoạt động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của mạng xã hội, Nhà trường có thể tạo các sân chơi bổ ích cho sinh viên thông qua các cuộc thi được tổ chức trên mạng xã hội. Điều này giúp sinh viên mở rộng kiến thức, tăng thêm sự hiểu biết về nghề. Bên cạnh đó, để sinh viên hiểu rõ hơn về trường và nghề mình đang học, định kỳ hàng tháng hoặc quý Phòng công tác học - sinh viên, Đoàn thanh niên và các Khoa chuyên môn có thể tổ chức các buổi livestream theo chuyên đề chia sẻ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, cơ hội nghề nghiệp và giải đáp các thắc mắc của sinh viên về nghề mình đang theo học.
Mỗi sinh viên cần sắp xếp thời gian hợp lí cho việc sử dụng mạng xã hội. Đảm bảo cân đối giữa thời gian sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập và các mục đích khác, đồng thời cũng đảm bảo cân đối thời gian thực hiện các hoạt động khác. Do vậy, sinh viên cần xây dựng thời gian biểu phù hợp cho những hoạt động diễn ra hằng ngày (hoạt động học tập, giải trí, vận động thể dục thể thao...). Sinh viên cần có ý thức chủ động hơn trong việc sử dụng mạng xã hội để học tập như: Xác định mục tiêu học tập, nội dung học, lên kế hoạch học tập trên mạng xã hội (học nhóm, tìm kiếm tài liệu…); Chủ động tương tác, trao đổi với thầy cô về những vấn đề liên quan đến học tập, trước mỗi giờ thực hành có thể xem trước các video hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn....; Chủ động tham gia tham gia các nhóm học tập trên mạng xã hội; Tìm hiểu các tính năng của các trang mạng xã hội mà mình tham gia; Rèn luyện để có phương pháp và kỹ năng sử dụng mạng xã hội.
Cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của số đông người dùng mạng. Mạng xã hội trở thành một công cụ hữu hiệu để mọi người liên lạc với nhau, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện. Tuy nhiên nếu sử dụng mạng xã hội không đúng cách sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với cá nhân người sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt đối với giới trẻ, rât dễ bị các thế lực thù địch kích động lôi kéo. Để hạn chế điều này cần xây dựng Quy chế chung về sử dụng mạng xã hội. Quy chế sử dụng mạng xã hội giúp tạo hành lang pháp lý sử dụng mạng xã hội trong Nhà trường, giúp sinh viên sử dụng mạng xã hội an toàn. Xây dựng các Quy chế bao gồm: Quy tắc ứng xử chung về sử dụng mạng xã hội, Quy tắc ứng xử sử dụng mạng xã hội trong học tập, các hành vi bị cấm khi sử dụng mạng xã hội và tổ chức thực hiện Quy chế
III. Kết luận
Mạng xã hội đối với sinh viên không chỉ là một nơi kết nối bạn bè và chia sẻ thông tin mà còn có thể là nơi hỗ trợ việc học tập rất hiệu quả. Mạng xã hội là nguồn học liệu phong phú đa dạng, thường xuyên được cập nhật; dễ dàng đăng ký sử dụng và truy cập; thông tin được chia sẻ đến cộng đồng người sử dụng chỉ sau một cú click chuột; chất lượng âm thanh hình ảnh trong ứng dụng tương tác trực tuyến ngày càng được nâng cao cải tiến về chất lượng, qua đó góp phần thúc đẩy những hợp tác, tăng cường kết nối giữa các cá nhân, tổ chức ở bất cứ đâu. Mạng xã hội không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục mà thực sự rất hữu ích trong tất cả các lĩnh vực.
Sự thay đổi trong cách thức giao tiếp của sinh viên đòi hỏi giáo viên và Nhà trường cần phải thay đổi cách thức giảng dạy và tương tác với sinh viên để nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy. Việc ứng dụng mạng xã hội vào hỗ trợ công tác giảng dạy là rất cần thiết. Mạng xã hội có thể giúp việc tương tác giữa giáo viên và sinh viên và tương tác giữa sinh viên với nhau trong quá trình học tập trở nên dễ dàng hơn, từ đó, giúp việc học tập trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Đồng thời, mạng xã hội có thể hỗ trợ sinh viên trong việc chia sẻ, tìm kiếm thông tin học tập và tăng cường lối sống chủ động, từ đó có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của sinh viên.
IV. Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thanh Hồng Ân và Nguyễn Văn Tuấn (2017), "Ứng dụng mạng xã hội để hỗ trợ việc tương tác ngoài giảng đường: Một trường hợp nghiên cứu tại Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh", Trường Đại học Đà Lạt, Tạp chí khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu giáo dục. Tập 33(Số 3), tr. tr. 1 - 9.
2. Nguyễn Thái Bá (2019), Việc sử dụng mạng xã hội và kết quả học tập của sinh viên, Luận văn thạc sĩ ngành Xã hội học
3. Nguyễn Thị Bắc (2018), Hành vi sử dụng mạng xã hội của sinh viên Trường Đại học Hải Dương, Luận văn thạc sĩ ngành Tâm lý học
4. Hiền Bùi (2001), Từ điển Giáo dục học, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.71.
5. Phạm Minh Hạc (2003), biên dịch và giới thiệu, Một số công trình Tâm lý học của A.N.Leonchiev NXB Giáo dục
6. Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Lan Nguyên 2016, “Tác động của mạng xã hội Facebook đối với sinh viên hiện nay”, tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội
7. Phan Thị Hời (2021), Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong học tập của sinh viên tại các trường Đại học trên đại bàn tỉnh Đồng Nai, Tạp chí Công thương số 26
8. Lê Ngọc Hùng (2015), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
9. Đỗ Long (2007), Những nghiên cứu Tâm lý học, NXB Chính tri Quốc gia
10. Võ Sỹ Lợi (2014), Giáo trình tâm lý học dạy học đại học, Trường Đại học Đà
Lạt.
11. Trần Hữu Luyến, Đặng Hoàng Ngân (2014), Mạng xã hội: Khái niệm, đặc điểm, tính năng, áp lực và ý nghĩa trong thực tiễn và nghiên cứu, Tạp chí tâm lý học số 7
12. Nguyễn Lan Nguyên (2020), Ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội Facebook đến học tập và đời sống của sinh viên hiện nay, Luận án tiến sĩ ngành xã hội học
13. Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng -Trung tâm từ điển học.
14. Vũ Nhật Phương, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Thanh Tùng, Trương Thị Lệ Hằng (2023), Ứng dụng mạng xã hội trong việc định hướng dư luận sinh viên tại các trường đại học ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học & Công nghệ tập 5, số 3
15. Lê Hữu Thảo, Trần Văn Nam (2007), Từ điển Hán - Việt, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.268.
16. Nguyễn Văn Tuấn (2009), Tài liệu bài giảng lý luận dạy học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
17. Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Giáo dục Đại học, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
18. Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
19. Chiến lược phát triển trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030.
20. Một số trang web:Tapchicongthuong.vn; vov.vn; marketingai.vn