Tăng cường đào tạo thực hành: Chìa khóa đáp ứng khát vọng nguồn nhân lực du lịch
14/04/2025
Hà Nội, chiều ngày 12 tháng 4 năm 2025 – Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức, chủ nhà, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã phối hợp cùng Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) tổ chức thành công Hội nghị- Tọa đàm “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”. Sự kiện quan trọng này đã thu hút sự tham gia của 70 chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và đại diện các cơ sở đào tạo trên cả nước và cơ quan báo chí, truyền thông.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, nhận định: du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch COVID-19, nhưng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo thống kê, mặc dù cả nước có đến 195 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu nhân lực của ngành, trong khi thực tế ngành du lịch cần tới 400.000 lao động mỗi năm. Đặc biệt, lực lượng lao động có trình độ đại học và sau đại học hiện mới chỉ đạt 9,7%, trong đó chỉ khoảng 43% là được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch. Chính thực trạng này đã dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp buộc phải tổ chức đào tạo lại nhân sự mới.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nêu rõ thêm, Việt Nam không thiếu lao động phổ thông, nhưng lại đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực quản lý cấp cao và lao động có chuyên môn giỏi, kỹ năng nghề nghiệp thành thạo cùng trình độ ngoại ngữ tốt để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bà nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt này trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong giai đoạn hậu COVID-19, khi một lượng lớn lao động chất lượng cao đã chuyển sang các ngành nghề khác.
Tại hội nghị, Thầy Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã có những chia sẻ về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và quốc tế, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là điều bắt buộc. Không chỉ giỏi về lý thuyết, người làm du lịch cần thiết phải có kỹ năng thực hành thành thạo và khả năng thích nghi với môi trường làm việc quốc tế đa văn hóa.
Thầy Khải nhấn mạnh: “Vấn đề đang bị phàn nàn nhiều nhất hiện nay là các trường đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Giải pháp cần thiết nhất là các trường phải tăng cường cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, giúp sinh viên sớm va chạm với thực tế, tiếp xúc trực tiếp với các nền văn hóa khác nhau. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng cần liên kết chặt chẽ hơn để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, từ trang thiết bị đến đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm”.
Các ý kiến thảo luận sôi nổi tại hội nghị rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình đào tạo cần được liên tục cập nhật, theo sát các xu hướng mới của ngành du lịch trong và ngoài nước. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định chất lượng đầu ra, giúp sinh viên được đào tạo "đúng nghề, giỏi nghề và làm được việc ngay khi ra trường".
Các cơ sở đào tạo du lịch cam kết tiếp tục đẩy mạnh đào tạo thực hành, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đồng thời mở rộng cơ hội thực tập quốc tế cho sinh viên. Những nỗ lực này hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng lao động du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.