Tăng cường kết nối tuyến du lịch biên giới Việt Nam và Trung Quốc
22/04/2025
Ngày 20/4/2025 tại thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) đã diễn ra tọa đàm giao lưu giữa các đại biểu, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ Chương trình khám phá Sùng Tả do Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức với khoảng 100 doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, sau ba ngày khảo sát tuyến điểm biên giới Quảng Tây.
Đoàn đại biểu Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (Việt Nam) và đại diện du lịch thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) tại toạ đàm giao lưu
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”. Cùng với sự thành công của chương trình giao lưu, giới thiệu văn hóa và du lịch TP. Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc 2025 “Biên giới tráng lệ, Sùng Tả quyến rũ” vừa qua tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy các sản phẩm du lịch xuyên biên giới, kết nối khách du lịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC) nhận được lời mời từ Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội và TP. Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức chương trình Famtrip với khoảng 100 doanh nghiệp lữ hành khảo sát tuyến điểm biên giới Quảng Tây.
Sùng Tả là thành phố có vị trí chiến lược thuộc Quảng Tây, là cửa ngõ giao thương và du lịch hai nước, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc, sản phẩm du lịch đa dạng và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện…, có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách Việt Nam đi tour theo đường bộ.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ hai nước, lượng du khách qua lại giữa Việt Nam - Trung Quốc đã nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam, đồng thời lượng du khách Việt Nam sang du lịch Trung Quốc cũng tăng nhanh chóng.
Theo ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC), đây là cơ hội kết nối tuyệt vời cho HUTC với 100 doanh nghiệp lữ hành khảo sát thực tế các tuyến điểm tại Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Qua chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có thể thiết kế các chương trình tour phù hợp với du khách Việt Nam đến với Sùng Tả, Quảng Tây. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Sùng Tả, Quảng Tây tăng cường trao đổi khách song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Túc Gia Nghệ - Phó Thị trưởng TP. Sùng Tả, Quảng Tây bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam quan tâm và hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển du lịch - văn hóa Sùng Tả, thúc đẩy hơn nữa việc giới thiệu quảng bá, trao đổi khách, các tuyến đường du lịch, giao thương và hợp tác du lịch giữa doanh nghiệp hai nước, chia sẻ cơ hội lẫn nhau tạo nên tương lai tốt đẹp hơn.
Trước đó trong ba ngày 17-19/4/2025, 100 doanh nghiệp trong đoàn famtrip Việt Nam đã khảo sát các điểm đến và dịch vụ đa dạng tại Quảng Tây, Trung Quốc. Tại huyện Long Châu, đoàn thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Long Châu; trải nghiệm văn hóa dân tộc Choang tại Làng dân tộc Choang Thiên Cầm với các hoạt động như: xem biểu diễn Thiên Cầm, đám cưới dân tộc Choang, trưng bày văn hóa thổ cẩm Choang… Tại huyện Ninh Minh, đoàn khảo sát khu di tích tranh đá Hoa Sơn, Hoa Sơn Sanh Mĩ, Khách sạn Hoa Sơn Suối nước nóng Ninh Minh…
Tại huyện Đại Tân, đoàn khảo sát Khu du lịch Minh Sĩ, Khách sạn Cộng đồng Nải Lý (Nalive); tham quan Khu cảnh quan Đức Thiên (Trung Quốc) - thác Bản Giốc (Việt Nam); trải nghiệm ẩm thực, văn hóa dân gian tại Khu di tích Cây Gỗ Mộc Môn như hát dân ca tặng cầu thêu, giã bánh dày, pha trà dầu, gói chả giò, cơm nếp ngũ sắc, ca tụng bát… Bên cạnh đó, đoàn khảo sát một số điểm đến tại huyện Phù Tuy, Trang trại sữa Thạch Khê, thành phố Lạc Dưỡng (Nam Ninh), trải nghiệm văn hóa và du lịch ban đêm của Thành cổ Thái Bình; khảo sát một số địa chỉ lưu trú nghỉ dưỡng như Khu du lịch nghỉ dưỡng nông thôn Tân Hòa, khách sạn Venus Resort tại trung tâm thành phố Sùng Tả…
Sau chuyến khảo sát, nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận thấy tiềm năng tuyến điểm Sùng Tả, Quảng Tây phù hợp thiết kế các chương trình tour biên giới ngắn ngày theo đường bộ. Theo ông Nguyễn Trung Quân - Giám đốc Công ty Du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour), chuyến khảo sát là cơ hội để các doanh nghiệp nắm rõ các dịch vụ và tuyến điểm tại Sùng Tả làm cơ sở xây dựng các chương trình phù hợp. Việc tăng cường kết nối, thuận lợi thủ tục xuất nhập cảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu vực cửa khẩu sẽ thúc đẩy du lịch biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để du khách hai nước đi lại dễ dàng hơn. “Mong rằng từ đây sẽ có nhiều chương trình du lịch mới như tour du lịch theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, Sùng Tả cũng như các địa danh khác tại Quảng Tây… không chỉ là những sản phẩm du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà còn góp phần nâng cao chất lượng trao đổi du khách giữa hai nước, qua đó thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt - Trung.” - ông Quân bày tỏ.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp hai bên Việt Nam và Trung Quốc cũng đã giao lưu gặp gỡ, kết nối nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển các tuyến du lịch xuyên biên giới chất lượng cao trong thời gian tới. Bà Vũ Nam Phương - Giám đốc Công ty du lịch và thương mại quốc tế Phương Nam (PNTRIP) mong muốn rằng, chính quyền Sùng Tả sẽ tạo điều kiện, chính sách tốt cho các doanh nghiệp lữ hành; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, sản phẩm tour chất lượng và hiệu quả…
Nhân dịp này, Chương trình giao lưu văn hóa du lịch xuyên biên giới Thanh niên Trung - Việt 2025 cũng được khởi động, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động và sản phẩm du lịch kết nối biên giới hai nước trong thời gian tới.
Một số hình ảnh của đoàn khảo sát:
Đoàn famtrip tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
Thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu
Chiêm ngưỡng tranh đá Hoa Sơn - di sản thế giới đã được UNESCO công nhận (huyện Ninh Minh)
Đoàn famtrip trải nghiệm văn hóa địa phương qua lễ cưới của dân tộc Choang
Khu trưng bày văn hóa thổ cẩm Choang tại Làng dân tộc Choang Thiên Cầm
Một góc khu du lịch Minh Sĩ, huyện Đại Tân
Bên cạnh các điểm đến, các doanh nghiệp cũng tập trung khảo sát các dịch vụ, cơ sở lưu trú tại Quảng Tây
Trải nghiệm văn hóa ẩm thực của dân tộc Choang (Quảng Tây)
Đoàn famtrip nghe giới thiệu về nông sản, đặc sản địa phương tại Lạc Dưỡng
Trải nghiệm hoạt động văn hóa, du lịch đêm tại Thành cổ Thái Bình, Sùng Tả